Hiện nay, tại nhiều sự kiện liên quan đến người dân tộc Khmer đều có xuất hiện các gian hàng trưng bày, trình diễn, giới thiệu về món bánh ống. Với kiểu dáng và màu sắc lạ mắt, món ăn đặc sản thu hút rất nhiều sự quan tâm của đại biểu, du khách.
Người dân tộc Khmer TP Cần Thơ làm bánh ống. Ảnh: Huỳnh Xây
CLIP: Hợp tác xã bánh dân gian Trường Lạc, (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trình diễn làm bánh ống và bánh dứa. Video: Huỳnh Xây
Hợp tác xã bánh dân gian Trường Lạc, (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trình diễn làm bánh ống và bánh dứa. Video: Huỳnh Xây
Bánh ống trước đây xuất hiện nhiều ở các làng quê ở Sóc Trăng và Trà Vinh. Ngày nay, món ăn này đã trở nên phổ biến khắp các tỉnh, thành khác, trong đó có cả TP Cần Thơ.
Hợp tác xã bánh dân gian Trường Lạc (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng chọn món đặc sản này để trình diễn trong các lễ hội, hội thảo.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Sa Pha - thành viên hợp tác xã bánh dân gian Trường Lạc cho biết: "Bánh ống là món ăn vặt quen thuộc ở làng quê miền Tây. Sở dĩ loại bánh này được gọi là bánh ống là vì được đổ trong ống tre, nhìn rất lạ mắt".
Bánh ống trước đây xuất hiện nhiều ở các làng quê ở Sóc Trăng và Trà Vinh. Ngày nay, món ăn này đã trở nên phổ biến khắp các tỉnh, thành khác, trong đó có cả TP.Cần Thơ.
Bà Sa Pha - thành viên hợp tác xã bánh dân gian Trường Lạc (bên trái) trình diễn làm bánh ống. Ảnh: Huỳnh Xây
Bột làm bánh ống được làm từ gạo thơm dẻo, xay mịn và trộn đường, nước cốt dừa sao cho không quá ngọt, đặc biệt là phải xốp tơi. Ảnh: Huỳnh Xây
Theo bà Sa Pha, trước đây bánh ống được đổ bằng khuôn ống tre, bây giờ đã được cách tân bằng ống nhôm hoặc inox. Với cách làm này, bánh ống được đổ nhanh hơn, mau chín.
Được biết, trong khuôn inox có gắn một miếng thiếc hình tròn nhỏ dùng để lấy bánh ra sau khi chín. Bánh chín nhờ vào hơi nước nóng bốc lên từ nồi nước được đặt phía dưới.
Cũng theo bà Sa Pha, bột làm bánh ống được làm từ gạo thơm dẻo, xay mịn và trộn đường, nước cốt dừa sao cho không quá ngọt, đặc biệt là phải xốp tơi. Để cho thêm lạ mắt, một số bánh ống sẽ có màu xanh (cho thêm nước lá dứa vào gạo xay).
Để bánh ống hấp dẫn hơn, khi chín, còn được rắc thêm chút cơm dừa nạo. Loại bánh này thường ăn khi còn nóng.
Giống như bánh ống, bánh dứa hay còn gọi là bánh rây (hoặc Om Chiếl) cũng là món ăn dân gian của người dân tộc Khmer.
Bánh dứa hay còn gọi là bánh rây (hoặc Om Chiếl). Ảnh: Huỳnh Xây
Sở dĩ loại bánh này có tên gọi là bánh rây vì người làm bánh phải dùng một cái rổ bằng lưới mịn để rây bột rơi xuống chảo trong quá trình nấu. Còn gọi là bánh dứa vì loại bánh này có bỏ thêm lá dứa.
Hiện nay, Hợp tác xã bánh dân gian Trường Lạc ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cũng đi trưng bày, biểu diễn tay nghề và giới thiệu món bánh dứa, được nhiều người khen ngon. Qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa.
Theo Hợp tác xã bánh dân gian Trường Lạc, bánh dứa phải được làm từ bột nếp xay (nếu muốn có màu thì xay chung với lá dứa), có nhân là cơm dừa nạo và đường.
Cơm dừa nạo dùng làm bánh dứa. Ảnh: Huỳnh Xây
Bánh dứa 2 màu của Hợp tác xã bánh dân gian Trường Lạc. Ảnh: Huỳnh Xây
Công đoạn làm bánh dứa là cho chảo nóng lên, rồi cho bột vào rổ lưới rồi dùng tay rây nhẹ cho bột rớt đều kên mặt chảo một lớp mỏng theo hình tròn. Tiếp theo là rắc nhân lên phần giữa của chiếc bánh. Xong cuốn bánh lại thành hình bán nguyệt, trở đều cho đến khi chín.
Bà Sa Pha cho hay, các thao tác làm bánh dứa phải tiến hành một cách nhanh chóng, nhuần nhuyễn, nếu không bánh sẽ bị khét.
Bánh dứa trước đây xuất hiện ở các địa phương có nhiều người Khmer sinh sống, còn hiện nay nhiều gia đình người Việt cũng làm loại bánh này để ăn và đãi khách. Tuy cách chế biến ở mỗi địa phương, mỗi gia đình có khác nhau nhưng nét đặc trưng chung vẫn là mùi thơm lá dứa và vị béo của cơm dừa.