Từ đầu năm 2023 đến nay, dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh và VP Điều phối NTM tỉnh Tuyên Quang cùng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của 12 xã đã tập trung rà soát các tiêu chí, huy động nguồn lực, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hoàn thiện các tiêu chí.
Bà con nhân dân xã Tuyên Quang chăm sóc tuyến đường hoa kiểu mẫu.
Kết quả đến nay, bình quân các xã đạt 11,92 tiêu chí/xã, các tiêu chí chưa đạt chủ yếu gồm: (Quy hoạch: 5/12 xã; Giao thông 9/12 xã; Trường học 11/12 xã; Cơ sở vật chất văn hoá 12/12 xã; Nhà ở dân cư 9/12 xã; Thu nhập 5/12 xã; Nghèo đa chiều 11/12 xã; Môi trường và an toàn thực phẩm 11/12 xã...).
Cụ thể: 03 xã Minh Hương, Thành Long, Hùng Đức (huyện Hàm Yên) đạt 10 tiêu chí; xã Ngọc Hội (huyện Chiêm Hoá), Chiêu Yên (huyện Yên Sơn) đạt 11 tiêu chí; xã Khâu Tinh (huyện Na Hang), Xuân Vân (huyện Yên Sơn), Văn Phú (huyện Sơn Dương) cùng đạt 12 tiêu chí; xã Kháng Nhật (huyện Sơn Dương) đạt 13 tiêu chí và 03 xã còn lại Phúc Ứng, Phú Lương, Tam Đa (huyện Sơn Dương) đạt 14 tiêu chí.
Đến hết tháng 8/2023, 12 xã mục tiêu về đích NTM năm 2023 đã triển khai bê tông hóa được 82/228,78 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa được 7,488 km kênh mương; đang thi công 12/75 công trình trường học; hoàn thành xoá 629/1.307 nhà tạm, dột nát.
Ông Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long (Chiêm Hóa) chia sẻ: Thực hiện mục tiêu về đích NTM năm 2023, Đảng ủy, ủy ban nhân xã đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Đến nay, xã Thành Long đã có trên 80% đường thôn, bản được bê tông hóa, có 4 cầu dân sinh được đầu tư cứng hóa.
Mô hình sản xuất bưởi an toàn theo quy trình Vietgap đang hướng đi mới nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn).
Đặc biệt xã Thành Long cũng vừa mở rộng tuyến đường từ trung tâm xã đi thôn Đoàn Kết dài trên 1 km, chiều rộng 4-7,5 m từ nguồn xã hội hóa và nhân dân hiến đất mở đường, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Việc mở rộng đường không chỉ tạo mỹ quan đẹp cho trung tâm xã mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa.
"Bộ mặt xã Thành Long hôm nay đã có sự thay đổi rất lớn về hạ tầng nông thôn, những con đường được mở rộng, bê tông hóa; những cây cầu bắc qua suối được cứng hóa, trường học, trụ sở làm việc của xã được đầu tư xây dựng khang trang. Đó là động lực to lớn để cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã xây dựng nông thôn mới" Ông Lý cho biết thêm.
Tuy nhiên, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 đều tăng số lượng chỉ tiêu và mức độ đạt chuẩn so với giai đoạn 2016- 2020, trong đó, có nhiều chỉ tiêu mới, tăng cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế. Nên một số tiêu chí các địa phương đang gặp khó khăn như: chí số 10 về thu nhập và Tiêu chí số 11 về Nghèo đa chiều do có xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người nông thôn còn nhiều hạn chế.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, ông Lê Hải Nam cho biết: trong 12 xã về đích NTM năm 2023 có đến 05 xã thuộc vùng III: xã Minh Hương, Thành Long, Hùng Đức (huyện Hàm Yên); xã Khâu Tinh (huyện Na Hang); xã Hợp Hoà (huyện Sơn Dương), đa phần là các xã nghèo, xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người nông thôn còn thấp nên việc huy động sức dân cũng không thể quá lớn...
Ngày cuối tuần xây dựng nông thôn mới tại thôn 6 xã Minh Hương, huyện Hàm Yên.
Mặt khác, nguồn lực của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, để đáp ứng được các quy định của bộ tiêu chí mới, ngoài nỗ lực của địa phương, cơ sở cần tới hỗ trợ rất lớn từ bộ, ngành Trung ương để việc xây dựng NTM đối với Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh niềm núi nói chung ngày càng hiệu quả.
Ông Lê Hải Nam cho biết thêm: để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thời gian tới các xã cần tập trung hơn nữa mọi nguồn lực hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Cùng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ của các huyện, các xã cần chủ động trong việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Và quan trọng hơn là hệ thống chính trị của các xã cần khẩn trương vào cuộc với quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất với chất lượng cao nhất.
Đồng thời tập trung vào một số giải pháp, đó là: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; Tập trung nguồn lực, thực hiện quyết liệt việc xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xử lý môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, văn hóa - thể thao...
"Đặc biệt, xác định việc xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Thực hiện nhiệm vụ trên nguyên tắc "Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp là căn bản, Nhân dân là chủ thể" tuyệt đối không chạy theo thành tích để hạ thấp chỉ tiêu, tiêu chí khi thẩm tra, thẩm định, không làm phát sinh nợ đọng và được sự đồng thuận thông qua việc lấy ý kiến hài lòng của người dân" ông Nam nhấn mạnh.