Trong giai đoạn 2009 - 2022, 6 tỉnh đã thu hút trên 71 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Thu nhập xã hội du lịch đạt trên 50 nghìn tỷ đồng, góp phần đóng góp vào GRDP của mỗi tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Theo đó, ngày 30/9/2008 Hội nghị Xúc tiến tuyến du lịch đường thủy Bắc Mê - Na Hang - Ba Bể giữa 3 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Bắc Kạn đã được tổ chức tại huyện Bắc Mê, khởi đầu cho các sự kiện liên kết hợp tác phát triển du lịch của khu vực Việt Bắc.
Nhằm tạo khung hành lang pháp lý cho các thỏa thuận hợp tác, đồng thời nâng tầm chương trình mở rộng hợp tác trong nhóm. Ngày 17/8/2009, Tp.Hà Giang, UBND các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng đã tổ chức Hội nghị 4 tỉnh ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch với trọng tâm tổ chức sự kiện chung mang tầm khu vực. Đây là khởi phát của chuỗi sự kiện Chương trình "Du lịch qua những miền di sản" tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hà Giang và hàng năm sẽ tổ chức luân phiên giữa các tỉnh.
Ngày 13/8/2010 tại tỉnh Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến chương trình hợp tác 6 tỉnh, làm căn cứ báo cáo và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi chủ đề Chương trình du lịch "Qua những miền di sản" 6 tỉnh thành Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc", quy mô tổ chức cấp khu vực.
Mục tiêu chính của chương trình là liên kết, tìm giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch vùng. Hình thành hệ thống sản phẩm dịch vụ du lịch đặc thù, hấp dẫn, có thương hiệu để thu hút du khách. Góp phần cụ thể hóa tầm nhìn, chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam và khu vực trung du miền núi bắc bộ.
Việc kết nối các di sản, hình thành các tour, tuyến mới của từng địa phương để khai thác phát triển kinh tế bền vững.
Cũng theo bà Mai, trọng tâm của Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" là xúc tiến quảng bá du lịch 6 tỉnh. Hàng năm các tỉnh sẽ cùng nhau tổ chức Khai mạc Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" với quy mô cấp khu vực, với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, đặc biệt đã tạo hiệu ứng lớn trong công tác tuyên truyền, quảng bá.
Bên cạnh đó liên kết tổ chức khảo sát, xây dựng các tuyến, điểm du lịch vùng Việt Bắc là một nhiệm vụ được ưu tiên. Chương trình còn tổ chức có các hoạt động hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi các tỉnh Việt Bắc, Liên hoan các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Việt Bắc, tọa đàm du lịch tại các tỉnh….
Đến nay, chương trình trở thành sự kiện thường niên nhằm làm mới sản phẩm du lịch của vùng, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch liên vùng, thúc đẩy khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về du lịch các địa phương. Kết quả là sản phẩm du lịch qua những miền di sản Việt Bắc ngày càng khẳng định thương hiệu không chỉ đối với thị trường trong nước và cả với khách quốc tế.
Tiết mục văn nghệ do Đoàn Nghệ thuật dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc biểu diễn tại đêm khai mạc Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIII.
Đây là những điểm nhấn quan trọng để quảng bá tiềm năng du lịch của mỗi địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, các khu, điểm du lịch của tỉnh Tuyên Quang tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tạo sân chơi hấp dẫn, cuốn hút du khách trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho hay: Tuyên Quang có 22 dân tộc cư trú, ở mỗi cộng đồng các dân tộc đều có những nét văn hóa, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm. Với tổng cộng trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 182 di tích quốc gia, 259 di tích cấp tỉnh. Không chỉ có sự phong phú về di tích vật thể, Tuyên Quang còn có sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa phi vật thể với 17 di sản được công nhận cấp quốc gia.
Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIV là dịp để tỉnh Tuyên Quang giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa độc đáo của tỉnh. Đây cũng là cơ hội để kết nối đầu tư, hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Kết nối, phát huy giá trị các di sản để phát triển du lịch góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn, là điểm đến ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của các tỉnh trong thời gian tới.