An Giang là một địa điểm du lịch nổi tiếng với phong cảnh sông nước hữu tình, nổi bật với những cánh đồng với hàng trăm cây thốt nốt chạy dài, hay nổi tiếng với ngọn núi Thất Sơn bí ẩn với những câu chuyện tâm linh, và không thể thiếu nét đặc trưng vùng đất miền Tây với cây trái sai quả, mùa nước nổi hàng năm,...
Không chỉ dừng lại ở đó các món ngon đặc sản An Giang chính là một điểm sáng giúp du khách nhớ mãi về vùng đất này. Là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Chăm, Khmer,... bởi thế nền văn hoá và ẩm thực vùng này mang đặc trưng đa dạng, phong phú, với nhiều món ngon bình dị, dân dã nhưng vô cùng cuốn hút.
Món ăn gà đốt Ô Thum là món đặc sản tại vùng đất Tri Tôn, tỉnh An Giang. Món ăn độc đáo này có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia, du nhập vào vùng Thất Sơn - Bảy Núi An Giang và trở thành món ngon nổi tiếng nơi đây.
Sở dĩ món đặc sản này có tên gọi như thế là vì hương vị mới lạ và và cách chế biến cực kỳ đặc biệt chỉ có ở địa phương. Để làm ra món gà đốt lá chúc Ô Thum, người dân phải lựa chọn nguyên liệu vô cùng kỹ lưỡng.
Gà để chế biến món ăn này phải là loại gà đồ, khá giống với gà ta nhưng mỗi con chỉ có trọng lượng khoảng từ 1.3kg đến 1.8kg. Loại gà tuy nhỏ nhưng da mỏng còn thịt thì rất săn chắc và ngon ngọt. Đặc biệt, người dân Tri Tôn không chế biến sẵn để bán cho thực khách mà khi có người gọi món thì gà mới bắt đầu được làm thịt, tẩm ướp và nấu nướng. Chính vì vậy nên gà đốt Ô Thum luôn tươi ngon, nóng hổi và thơm lừng.
Điều tạo sức hấp dẫn của món gà đốt Ô Thum không chỉ nằm ở phần nguyên liệu mà còn vì bí quyết chế biến độc đáo của người dân địa phương. Bên cạnh các loại gia vị thông dụng như muối, đường, tỏi, sả, ớt, thì món ăn này còn có thêm một thành phần đặc biệt chính là lá chúc. Cây chúc được xem là đặc sản hiếm có của vùng Thất Sơn - Bảy Núi An Giang, trồng nhiều tại hai huyện là Tri Tôn và Tịnh Biên. Lá chúc có vị hơi the giống như lá chanh nhưng thơm hơn, không bị đắng và giữ được mùi hương rất lâu. Người dân thường sẽ ướp gà cùng với lá chúc trước khi đem đi đốt để tạo ra vị thơm nồng đặc trưng.
Trước khi đốt gà, người dân sẽ lót ở bên dưới một lớp lá sả và lá chúc rồi cho thêm dầu ăn. Sau đó, gà sẽ được đốt trong lửa đỏ từ 20 - 30 phút đến khi da vàng ruộm. Lửa dùng để đốt gà phải cháy thật to rồi từ từ nhỏ dần để thịt gà được chín đều. Gà đốt Ô Thum khi đã chín sẽ có một lớp da giòn tan, vàng ươm đẹp mắt, vị thịt mềm, ngọt đậm đà và đặc biệt mùi thơm cực kỳ đặc trưng không lẫn đi đâu được.
Du lịch An Giang: Gỏi đu đủ đâm Tri Tôn
Gỏi đu đủ đâm Tri Tôn cũng được bắt nguồn từ người dân Campuchia, sau đó được người dân huyện Tri Tôn học hỏi và mang về chế biến thành đặc sản An Giang. Tên gọi của món ăn này xuất phát từ việc chế biến bằng cách đâm, giã trong cối.
Gỏi đu đủ đâm Tri Tôn được chế biến từ những nguyên liệu rất dễ tìm. Món gỏi này có rau muống, đậu đũa, cà chua, rau thơm, chanh, củ hành hòa quyện với các loại gia vị như đường, ruốc, đậu phộng và đặc biệt là mắm ruốc được pha chế theo công thức riêng. Để món gỏi được ngon thì người chế biến phải ngâm đu đủ với nước muối loãng trước. Sau khi cho hết các nguyên liệu vào cối, đầu bếp sẽ dùng chày đâm và trộn cho đến khi sợi đu đủ thấm gia vị mới bày ra đĩa. Ăn kèm gỏi đu đủ đâm Tri Tôn có thêm trứng luộc và xiên bò nướng.
Du lịch An Giang: Ếch nướng độc lạ kiểu Campuchia
Một trong những món đặc sản, trở nên nổi tiếng ở Tri Tôn cũng được bắt nguồn từ ẩm thực Campuchia, đó là ếch nướng.
Món ếch có tên gọi ếch nướng kiểu Campuchia vì cách chế biến khá độc đáo. Những con ếch sau khi được làm sạch sẽ, một phần của da, chân, thân con ếch được băm nhuyễn với thịt lợn ba chỉ, sau đó được nhồi vào bụng ếch và được nẹp chặt qua thanh tre.
Sau đó ếch được ướp với sả, nghệ cùng nhiều gia vị khác trong một thời gian dài rồi đem nướng trên bếp than. Khi nướng, các gia vị hòa vào nhau dậy mùi thơm hấp dẫn. Người bán sẽ liên tục quết thêm nước ướp được chuẩn bị sẵn để ếch không bị cháy và giữ được độ ẩm của thịt ếch.
Điểm đặc biệt nhất của món ăn này chính là phần sốt chấm ăn kèm được làm từ me non dầm gừng và tỏi. Sự kết hợp hài hòa giữa các gia vị trong phần sốt, chấm cùng thịt ếch thơm, giòn, ngọt khiến cho người thưởng thức không thể cưỡng lại được hương vị độc đáo của món ăn.
Đây là một món ẩm thực được nhắc đến khá nhiều khi du khách đến vùng An Giang. Bánh bò được làm bằng đường thốt nốt - loài cây đặc trưng của tỉnh An Giang. Bánh được nướng trên lửa vừa, đảo đều tay nên vỏ vàng ươm, dẻo dẻo, đặc biệt là vị ngọt thanh rất hợp khẩu vị của tất cả mọi người. Ngoài ra, một số nơi còn cho thêm ít cơm dừa cắt nhuyễn lên trên bánh bò tạo nên vị bùi bùi hấp dẫn.
Với những nguyên liệu đơn giản như bột gạo, đường thốt nốt và nước dừa, du khách sẽ có một cảm nhận khác biệt của món bánh bò nơi đây, hiếm nơi nào có được.
Du lịch An Giang: Lẩu mắm Châu Đốc
Lẩu mắm là một trong những món đặc sản rất nhiều du khách yêu thích khi đến với xứ sở thốt nốt. Lẩu mắm không chỉ tốt cho sức khỏe, món ăn này còn được làm từ các loại mắm cá kết hợp cùng thịt và hải sản này còn sở hữu hương thơm nồng đượm, vị ngon đậm đà cực kỳ hấp dẫn. Có thể nói, món lẩu là tinh hoa ẩm thực thể hiện rõ nhất nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất được thiên nhiên ban tặng tôm cá đầy sông, cây trái trĩu cành cùng con người miền Tây có bản tính phúc hậu, hiền lành này.
Để nấu món lẩu vạn người mê, nguyên liệu không thể thiếu trong công thức chế biến bên cạnh thịt, hải sản, rau củ quả còn có các loại mắm làm từ cá linh, cá sặc thơm ngon. Thông thường những địa điểm phục vụ món ngon này sẽ nấu nước lẩu từ mắm Châu Đốc. Mắm Châu Đốc được biết đến là một trong những món đặc sản, nổi tiếng của miền quê sông nước nơi đây.
Bên cạnh mắm Châu Đốc thì còn có thêm chả cá thác lác nhồi ớt, các loại thịt, hải sản, khi ăn bỏ vào rau muống, bông bí, kèo nèo, bắp chuối... và xắt thêm ớt và hành lá dậy vị, thơm lừng. Nước dùng đậm đà hương vị của mắm cá kết hợp với topping đa dạng và bún dai dai mang đến người thưởng thức trải nghiệm ẩm thực đặc sắc, khó quên.
Du lịch An Giang: "Bò leo núi" An Giang
Bò leo núi An Giang là món ngon trứ danh của thị xã Tân Châu. Nhiều du khách khi nghe tên món ăn lại ngỡ đây là món ăn được chế biến từ thịt bò nuôi trên núi. Tuy nhiên, tên gọi của đặc sản này thực chất lại bắt nguồn từ cách thưởng thức có một không hai.
Theo người dân địa phương, cách chế biến món ăn "bò leo núi", trước tiên thịt bò được cắt miếng dày, ướp với trứng gà tươi, sau đó dùng vỉ nướng có hình dạng tròn như quả núi, dùng mỡ heo để làm trơn vỉ và đặt những miếng bò lên, quét thêm 1 lớp bơ tạo nên hương thơm ngào ngạt của sự hòa quyện giữa thịt bò, trứng gà và bơ.
Để thưởng thức món "bò leo núi", đầu tiên, người ta đặt một miếng mỡ lợn trên đỉnh vỉ. Bếp than hồng tỏa nhiệt, làm nóng vỉ khiến mỡ chảy đều xung quanh, lúc ấy, thực khách bắt đầu cho thịt bò lần lượt lên trên. Việc dùng mỡ lợn thay dầu ăn hay bơ thực vật giúp món ăn có độ béo ngậy và mùi vị thơm ngon hơn.
Khi vỉ nóng lên, mỡ chảy xèo xèo còn tạo ra thứ âm thanh nghe khá vui tai. Thực khách cho thịt bò lên vỉ, có thể phết thêm ít bơ vàng óng để tăng vị thơm ngon, đậm đà cho món ăn.
Món bò có thể ăn kèm với bánh tráng, chuối chát, rau sống và chấm chao để đậm vị hơn, khi du khách cắn miếng thịt bò đưa lên miệng sẽ cảm nhận vị thơm, ngọt, mềm của thịt bò, một chút vị chát chống ngấy của chuối.