Chiều 20/9, các đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 5 đã tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc cử tri này, cử tri đã nhắc tới vụ cháy chung cư mini xảy ra đêm 12, rạng sáng ngày 13/9 tại số nhà 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân).
Vụ cháy chung cư mini này đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 56 người chết, hàng chục người bị thương.
Cử tri Vũ Phi Hùng (phường Thụy Khuê) nêu, theo quy định, hồ sơ thẩm định duyệt bản thiết kế về phòng cháy, chữa cháy với kết cấu công trình phải chịu lửa, có giải pháp ngăn cháy, thoát nạn, chống tụ khói.
Đồng thời trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy có giấy chứng nhận kiểm định, phương án cấp nước chữa cháy ngoài nhà cho một số loại hình công trình đặc thù và một số tiêu chuẩn khác.
Sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, các chuyên gia cho rằng công trình này có nhiều yếu tố chưa đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Đáng chú ý là việc chủ đầu tư công trình đã xây lên 9 tầng so với 6 tầng được cấp phép, xây dựng mật độ 100% so với 70% trong giấy phép.
Cử tri Vũ Phi Hùng đề nghị Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết về công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay của TP.Hà Nội và những giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân.
Trả lời về câu hỏi của cử tri, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP.Hà Nội nhìn nhận, ý kiến của các cử tri phản ánh về công tác phòng cháy, chữa cháy là vấn đề rất nóng.
Theo vị Giám đốc Công an TP.Hà Nội, lực lượng công an chỉ là một trong những cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, có vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Nhắc tới yếu tố "giờ vàng" trong phòng cháy, chữa cháy (dập tắt đám cháy trong 5 phút đầu), Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh việc chữa cháy tại chỗ là hết sức quan trọng và điều này phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng cho từng gia đình, người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy mới kịp thời xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.
Về vấn đề hạ tầng phòng cháy, chữa cháy của TP.Hà Nội, theo người đứng đầu Công an TP.Hà Nội, đây cũng là "vấn đề đáng lưu tâm".
Theo thống kê, đối tượng cháy nhiều nhất là nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, nguyên nhân gây cháy nhiều nhất là điện sau công tơ.
Từ trước đến nay, vụ cháy gây chết nhiều người nhất là vụ cháy Trung tâm thương mại ITC với 60 người thiệt mạng xảy ra năm 2002. Vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tiếp theo là vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ vừa qua…
Ông Nguyễn Hải Trung đánh giá, nhận thức của mỗi người dân chưa phải là đồng đều trong việc phòng cháy, chữa cháy.
Với đặc điểm của TP.Hà Nội là "ngõ nhỏ, phố nhỏ", vị lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho rằng vì vậy rất khó để lập các quy hoạch phòng cháy, chữa cháy. Việc bố trí các trụ, họng nước, bể chứa nước để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy rất khó khăn, nhiều khu vực trong nội thành xe cứu hoả không tiếp cận được.
"Không phải là mất bò mới lo làm chuồng, Bộ Công an, Thành phố có rất nhiều chỉ đạo rồi nhưng có những cái bất khả kháng như vậy.
Tháng 6/2023, chúng tôi cũng ban hành kế hoạch tổng rà soát nhà chung cư, tập thể nhất là chung cư mini rồi. Cũng có những cái chúng tôi làm hết cách, hết cỡ nhưng chưa có giải pháp đầu ra" – Giám đốc Công an TP.Hà Nội chia sẻ.
Về vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết, chắc chắn sẽ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan về trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy.