Một lần nữa, ngôi làng Đo Đo quen thuộc, quê hương của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trở lại trong tác phẩm của ông. Mùa hè không tên là truyện dài mới nhất sẽ được chính thức giới thiệu tới bạn đọc vào ngày 22/9 tới đây nhân mùa khai trường.
Lý giải về câu hỏi tại sao ngôi làng Đo Đo cứ trở đi trở lại trong các tác phẩm của mình (như Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây, Quán gò đi lên…), Nguyễn Nhật Ánh cho biết: "Viết về tuổi thơ là cội nguồn ý tưởng sáng tạo của tôi. Từ bao nhiêu năm nay rồi, tôi bị ám ảnh về nỗi tiếc nuối, về làng quê, về tuổi thơ. Và qua đó tôi muốn nói lên một cái lớn hơn về thời gian. Thời gian càng trôi đi, người ta muốn quay lại kiếm tìm những kỷ niệm thời thơ bé của mình".
Đối với ông, tuổi thơ là một câu chuyện dài bất tận mà có thể nói là bốn mươi năm nay ông viết đi viết lại mỗi một cuốn sách tuổi thơ.
"Với Mắt biếc, câu chuyện chỉ xoay quanh tình cảm giữa nhân vật Ngạn và Hà Lan chứ còn những người lớn như bố mẹ, thân phận người trong làng như thế nào thì tác phẩm chỉ lướt qua thôi. Nhưng còn cuốn này thì tôi muốn dựng lên một cái làng đúng như cái làng mình cảm nhận thời bé, với nhiều mảnh đời, nhiều tình tiết, nhiều thân phận", Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Trong Mùa hè không tên, ta gặp lại làng Đo Đo với đầy ắp những điều thân thuộc và gần gũi. Những câu chuyện tuổi thơ với vô số trò tinh nghịch, những thoáng thinh thích hồi hộp cùng vô vàn kỷ niệm.
Để rồi khi những tháng ngày trong sáng của tình bạn dần qua, bọn nhỏ trong mỗi gia đình bình dị lớn lên cùng chứng kiến những giây phút cảm động của câu chuyện tình thân, nỗi khát khao hạnh phúc êm đềm, cùng bỡ ngỡ bước vào tuổi lớn nhiều yêu thương mang cả màu va vấp.
Nhưng cũng như nhiều tác phẩm trước đó của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đây là câu chuyện dõi theo sự trưởng thành của nhiều nhân vật. Thời thơ ấu của những đứa trẻ luôn luôn được ông dành cho những dòng mô tả dịu dàng nhất, sau đó chúng lớn lên với những lựa chọn và rung động đầu đời, trưởng thành rồi bay xa.
Những con đường mỗi người lựa chọn liệu sẽ dẫn đến đâu? Và những thân tình tuổi ấu thơ sẽ để lại những gì trong tâm hồn mình?
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cuốn sách này như khám phá lại, khai quật các vỉa tầng khác của ký ức, mở rộng thêm chiều kích của không gian đó để gửi đi những thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải qua tình tiết trong truyện.
"Có thể nói qua cuốn này, tôi muốn thêu lên một bức tranh về làng quê thời nhỏ của mình, mà mỗi nhân vật, mỗi số phận trong đó là một sợi chỉ màu của bức tranh thêu", nhà văn nói thêm.
Về tên của cuốn sách, tác giả cho hay: "Cuốn sách tên Mùa hè không tên nhưng thật ra thời gian trong truyện diễn ra suốt một năm học, đến cuối truyện mới tới hè. Mùa hè là mùa chia tay và để lại rất nhiều thay đổi cho số phận các nhân vật".
Và nhà văn đã để cho nhận vật của mình giải thích: "Đó là mùa hè thật đặc biệt với tôi. Sau mùa hè đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi.
Vì vậy tôi muốn đặt cho nó một cái tên để nó không giống với những mùa hè khác trong đời tôi mỗi khi tôi nhớ về. Tôi định gọi nó là mùa hè chia tay, mùa hè ưu tư, mùa hè định mệnh, hay sến sẩm một chút là mùa hè có mây tím bay nhưng rồi tôi thấy không cái tên nào thật sự phù hợp. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu cần phải có một cái tên thì tôi sẽ đặt tên cho nó là mùa hè không tên. Ờ, mùa hè đặc biệt của tôi cần gì phải khoác một cái tên riêng khi mà mỗi lần đầu óc tôi quay ngược về thời kỳ đó, tôi luôn thấy lòng đầy xáo trộn. Nó đã khắc lên số phận tôi những dấu vết không thể phai mờ - như vết chàm mà con người ta phải mang theo cho đến tận cuối đời".
Nhưng có lẽ thông điệp của tác giả không chỉ là câu chuyện học trò và những kỷ niệm ấu thơ. Như nhiều tác phẩm khác của ông, còn một điều quan trọng hơn phía sau trang sách. Đó là ân tình. Đằng sau sự giao thoa của số phận các nhân vật là niềm tin về lòng tốt và sự tử tế. Giống như sợi chỉ xuyên suốt trong bức tranh thêu của ông, là thông điệp khơi dậy khao khát sống đẹp, sống tử tế nơi người đọc.
Biên tập viên Hoàng Anh của Nhà xuất bản Trẻ đã nhận xét một cách xác đáng: "Sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mang đến cho người ta cảm xúc dịu dàng, ấm êm, trong trẻo giữa quá nhiều cái vất vả của cuộc sống đương thời…".
Tình bạn, sự sẻ chia, cảm thông phải chăng tỷ lệ nghịch với thời gian ngày càng chồng chất lên mỗi đời người? Và ký ức tuổi thơ, sự trở về với những "mùa hè không tên" có thể cứu chuộc ta?
Điều này khiến tôi chợt nhớ đến Tuổi thơ mãi mãi cùng ta của nhà văn Liên xô Muxtai Karim: "Tuổi thơ, dù là tuổi thơ hạnh phúc hay bất hạnh, vẫn còn đeo đẳng ta suốt nhiều năm trường. Hãy trân trọng giữ lấy trong tâm hồn sự trong trắng và lòng tốt, đừng để mất khả năng mỗi ngày nhìn sự vật như mới thấy lần đầu và chớ để mất niềm tin vào sự huyền nhiệm".
Điểm nhấn trong tác phẩm Mùa hè không tên còn là những đoạn thơ trong veo và cách kết thúc rất đặc biệt. Ngoài ra, họa sĩ Hoàng Tường đã góp phần quan trọng làm nên phiên bản bìa cứng in màu đẹp với 25 hình minh họa lớn và rất nhiều minh họa nhỏ xen kẽ.
Theo Nhà xuất bản Trẻ, Mùa hè không tên đồng thời xuất hiện tại Hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt (Đức) vào tháng 10/2023. Đặc biệt, 3.000 cuốn sách có chữ ký "tươi' của tác giả sẽ được phát hành cho độc giả tại 20 điểm bán trên cả nước.