LTS: Con người bình đẳng như nhau, dù ở đô thị hay nông thôn, người dân đều có quyền được sử dụng nguồn nước sạch mà không phân biệt quyền lợi, trách nhiệm. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, dù hạ tầng kinh tế đã và đang phát triển, nước sạch vẫn chỉ nằm trong nguyện vọng, là niềm khao khát chưa biết khi nào mới đạt được. Nhu cầu là có thật, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình nhằm giải cơn khát cho người dân. Thế nhưng nguyên nhân nào khiến việc triển khai hệ thống cấp nước nông thôn còn gặp nhiều trắc trở?
Hàng vạn hộ dân "khát" nước sạch
Suốt mấy chục năm, gia đình bà Trần Thị Điệp, cụm 7, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội vẫn duy trì việc sử dụng hai nguồn nước khác nhau. Một nguồn nước mưa phục vụ nhu cầu nấu ăn, nước uống. Nước giếng khoan dành cho việc tắm, giặt, thau rửa nhà cửa. "Xã Thọ An chưa được đấu nối nước sạch nên ở đây nhà nào cũng phải có 2 bể chứa khác nhau như vậy. Nước giếng khoan dù đã qua bể lọc, nhưng lo ăn, uống vào người sẽ sinh bệnh nên gia đình dùng riêng nước mưa, nước đóng bình", bà Trần Thị Điệp cho biết.
Tương tự, bà Trần Thị Hà, cụm 2, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng cũng phải mua nước đóng bình để nấu ăn, đun nước uống sinh hoạt hàng ngày. Dù được gọi là "nước hợp vệ sinh", nhưng do nước giếng khoan của gia đình dù đã lọc qua bể cát nhưng vẫn còn hiện tượng đục, có mùi nên bà Hà lo nếu tích nạp vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đó là trường hợp gia đình có điều kiện, với khả năng kinh tế thấp hơn, không ít hộ dân phải chấp nhận dùng nước giếng khoan cho toàn bộ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày bằng những lòng bể đã ọp ẹp. "Sáp nhập vào Hà Nội 15 năm, có những bể lọc đã chứng kiến đủ thăng trầm của thành phố mà đến nay vẫn cần cù làm việc chú ạ", một người dân nói đùa trong câu chuyện với PV.
Không chỉ riêng với các hộ gia đình. Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, ngay cả ở địa điểm công cộng như Trạm Y tế xã Thọ An cũng đang sử dụng nguồn nước giếng khoan, có quy trình lọc đơn giản qua bể lắng để phục vụ cho công tác hỗ trợ sức khỏe người dân.
Các xã Thọ An, Thọ Xuân nằm trong nhóm 8 xã thuộc huyện Đan Phượng đến nay vẫn chưa có hệ thống nước sạch tập trung. Khảo sát của PV Dân Việt cho thấy, người dân trên địa bàn các xã này đang rất mong chờ được sử dụng nguồn nước có chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi dài đã đằng đẵng, ước mong này vẫn xa vời.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay còn khoảng 139 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch đang tiếp tục đầu tư hoặc nghiên cứu đầu tư gồm các huyện: Đông Anh, 2/24 xã; Sóc Sơn, 14/26 xã; Thạch Thất, 11/23 xã; Đan Phượng, 8/16 xã; Quốc Oai, 2/21 xã; Phúc Thọ, 9/21 xã; Thanh Oai, 10/21 xã; Chương Mỹ, 15/32 xã; Ứng Hòa, 22/29 xã; Mỹ Đức, 21/22 xã; Thường Tín, 21/29 xã; Ba Vì, 4/31 xã. Dùng một phép tính đơn giản, mỗi xã có trung bình khoảng 8.000 – 10.000 người, tức là ngay tại địa bàn Thủ đô nhưng hàng vạn người dân còn "khát" nước sạch.
Hiện nay, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000m3/ngày đêm. 274/413 xã người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của Hà Nội. Việc mở rộng mạng cấp nước cho 133 xã còn lại sẽ do 8 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành thực hiện 10 dự án mở rộng mạng cấp nước cho các khu vực còn lại trong giai đoạn 2022 - 2025.
Đối với 8 xã huyện Đan Phượng, thành phố đã giao Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội thực hiện. Nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích khoảng 20,5 ha, tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng và dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2021. Tuy nhiên, Chủ đầu tư là Công ty CP Nước mặt sông Hồng đã xin gia hạn lần thứ 2 vào đầu năm nay.
Tương tự, đối với 3 xã huyện Đông Anh và 11 xã phía Đông QL 3 của huyện Sóc Sơn, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội đề xuất đầu tư mở rộng các khu vực trên dự kiến 3 xã Đông Anh hết năm 2023 hoàn thành mạng cấp nước, 11 xã Sóc Sơn hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025 đã được UBND TP chấp thuận phân vùng cấp nước tại Văn bản số 1773/UBND-ĐT ngày 9/6/2023.
Công ty CP Nước mặt sông Hồng cũng là 1 trong 2 doanh nghiệp được đề xuất thực hiện đấu nối nước sạch cho 9 xã thuộc huyện Phúc Thọ. Đơn vị còn lại là Liên danh Công ty CP Ao Vua và Công ty CP đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước môi trường Ba Vì. Nhưng như đã nêu trên, tình trạng chậm tiến độ sẽ khiến người dân không biết khi nào mới được cấp nước.
Với các huyện còn lại, UBND thành phố đã sắp xếp phương án, "chỉ mặt đặt tên" doanh nghiệp đứng ra thực hiện với từng địa phương. Lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2025. Nhưng đối chiếu với tình trạng chậm tiến độ nêu trên, người dân các vùng chưa có nước sạch bày tỏ sự lo ngại về việc mục tiêu cứ đề ra nhưng không được doanh nghiệp đáp ứng. Do đó, cần có sự chỉ đạo sát sao hơn của các cấp, ngành để tạo sức ép đủ lớn đối với các Chủ đầu tư.
Bài 2: Thiếu nguồn xã hội hóa, cấp nước sạch nông thôn khó thấy ngày về