Phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nam Định lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra vào sáng ngày 22/9, anh Vũ Đình Kiên chia sẻ, anh sinh ra trong gia đình thuần nông, với sự nỗ lực cố gắng của bản thân và sự quan tâm của gia đình, anh đã thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp Đại học trở về quê hương, chàng trai sinh năm 1990 nhận thấy nhiều diện tích đất 2 lúa ở quê hương bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm nên anh cảm thấy tiếc từng "tấc đất, tấc vàng". Sau một thời suy nghĩ, anh quyết định tập trung đầu tư vào nông nghiệp để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình dù biết con đường lựa chọn rất vất vả và gian nan.
Với vốn kiến thức được đào tạo trong trường Đại học, cộng với những kiến thức cơ bản mà anh Kiên tự tìm tòi sáng tạo, anh đã quy hoạch cho riêng mình 1 cơ sở sản xuất nông sản với quy mô nhà xưởng hiện đại rộng 500m2.
"Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là mình đã vận dụng các kiến thức được học để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình; vừa phát triển kinh tế, giải quyết được vấn đề lãng phí tài nguyên đất, vừa tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động", anh Kiên chia sẻ cảm xúc trước Đại hội.
Theo anh Kiên, thời gian đầu anh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất không thuận lợi, thu nhập thấp. Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân các cấp phát động, anh đã mạnh dạn thuê đất để sản xuất và đi khắp các nơi trong vùng để học hỏi kỹ thuật và tìm hiểu, tham quan những mô hình, cách làm hay để áp dụng vào mô hình của gia đình.
Trong quá trình đi học hỏi, anh Kiên nhận thấy chỉ tập trung vào sản xuất nhỏ lẻ thì chưa đủ, mà phải liên kết nhiều hộ sản xuất giỏi với nhau để sản xuất và tiêu thụ đầu ra sản phẩm.
Được sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, năm 2017, anh Kiên mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX). Các hoạt động của HTX ban đầu gồm sản xuất lúa gạo, trồng và sơ chế dược liệu hoa hòe và các dịch vụ nông nghiệp như dịch vụ gieo sạ và cấy lúa bằng máy, dịch vụ phun thuốc bằng máy bay, dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, dịch vụ sấy thóc.
Mặc dù khi bắt đầu vào sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, diện tích sản xuất còn ít, khoảng 5 ha, nhà kho bến bãi hạn chế, kinh nghiệm sản xuất và điều hành chưa có…, nhưng HTX do anh Kiên đứng đầu đã nhanh chóng thích nghi với thị trường.
Đến nay, HTX đã phát triển diện tích sản xuất trực tiếp là 10 ha, diện tích liên kết là 40 ha; sản lượng thu mua lúa tươi từ 250 - 400 tấn/vụ.
"Chúng tôi đang sản xuất lúa gạo và xuất đi các tỉnh miền Bắc với số lượng từ 30 - 40 tấn/tháng. Sản lượng dược liệu hoa hòe đạt khoảng 5 tạ/năm và mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường 400 tấn gạo các loại, doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng", anh Kiên thông tin.
Hiện tại, HTX đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 - 10 lao động địa phương với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Vào thời vụ thu hoạch, số lượng lao động tăng lên khoảng 15 người.
Anh Kiên cho biết thêm, hưởng ứng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), HTX đã đăng ký 2 sản phẩm gồm gạo Bắc thơm và gạo Nếp. Kết quả cả 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, các sản phẩm của HTX đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
"Trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng liên kết và nâng cao giá trị sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của thị trường và tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương", anh Kiên nói.