Tối 23/9, chương trình tri ân, giao lưu với các thương binh nặng trên toàn quốc mang tên "Ánh lửa từ trái tim" do báo Tiền Phong tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 và Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12. Đây là lần thứ hai chương trình tổ chức, sau lần thứ nhất diễn vào năm 2017.
Tham dự chương trình có Ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GDĐT. Đặc biệt, có sự tham dự của 150 thương binh và hơn 600 sinh viên các Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng.
Buổi giao lưu giữa các đại biểu và sinh viên Thủ đô gồm hai nhóm chủ đề: Những chiến công và Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Qua đó, sinh viên Thủ đô sẽ được lắng nghe những câu chuyện từ các bác thương binh về cuộc chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, khi bị thương và cuộc chiến đấu trong thời bình để vượt qua thương tật.
Sau phần mở màn đầy oai hùng với những chiến công lẫy lừng và đúng tinh thần của "Anh bộ đội cụ Hồ", ca khúc "Vết chân tròn trên cát" đã vang lên đầy cảm xúc qua phần thể hiện của thương binh Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh, Người có công tỉnh Bắc Giang. Hơn 600 sinh viên cũng như khách mời có mặt tại hội trường đã bật flash điện thoại và đung đưa theo từng nhịp bài hát. Nhiều sinh viên xúc động, nghẹn ngào bật khóc.
Chương trình còn mang lại nhiều kỷ niệm khó quên cho sinh viên với loạt các câu chuyện đi cùng năm tháng của các thương binh. Ông Nguyễn Vũ Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình, kể lại những câu chuyện bi hùng về mặt tinh thần của các bác thương binh đặc biệt.
"Ngoài vết thương về thân thể, trung tâm cũng chăm sóc, điều trị các bác thương bệnh binh bị vết thương sọ não và tâm thần. Vì vậy, thi thoảng, trong quá trình điều trị, các bác đã từng đánh nhân viên phục vụ, hay tự sát thương… Đặc biệt, do bị tâm thần nên các bác thương binh không có cơ hội lập gia đình, không có vợ, con. Nhân viên chăm sóc cả về thể chất và tinh thần cho các thương binh có lẽ là những người thân thiết nhất", ông Thiện kể.
Ông Thiện cho biết thêm, trung tâm đón nhận nhiều thương binh bị tâm thần, nhiều bác không nhớ tên mình, người thân hay quê hương. Khi các bác từ trần, trung tâm tổ chức an tang tại nghĩa trang của trung tâm. Hiện đã có khoảng 50 ngôi mộ không liên lạc được với thân nhân.
Hay câu chuyện của thương binh Nguyễn Chí Tường đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Người có công Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Tường (sinh năm 1959) nhập ngũ năm 1977, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt và bước vào kỷ nguyên mới - hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển. Ông Tường là thương binh mất trên 81% sức khoẻ; từng bị cưa chân tới 6 lần.
Mặc dù bị mất vĩnh viễn 81% sức khỏe nhưng đã không ngừng rèn luyện sức khỏe. "Sáng nào tôi cũng đi xuống biển tập thể dục. Ở biển Long Hải, ai cụt chân tắm biển mà bơi ra xa là tôi. Sức khỏe của tôi hiện tạm ổn", ông Tường nói.
Thương binh Nguyễn Văn Đãi, sinh năm 1950, hiện là Chủ tịch Hội đồng Thương binh Trung tâm Nho Quan, Ninh Bình cho biết: "Tôi bị thương ở sọ não, trong não vẫn còn mảnh đạn, hỏng một mắt và nhiều vết thương trên cơ thể".
Năm 1972, trong trận đánh tại tỉnh Long An, ông Đãi bị thương được đồng đội đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, chiếc ba lô của ông đã để lại tại nơi bị thương, sau đó một đồng đội khác đã hy sinh tại đây. Ngỡ rằng người hy sinh là ông Đãi (căn cứ thông tin về ông có trong ba lô) nên sau khi chôn cất liệt sĩ hy sinh tại Bến Lức (Long An), bia mộ đã ghi tên ông Nguyễn Văn Đãi...
Bạn Hoàng Anh, sinh viên khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bày tỏ lòng biết ơn những công lao to lớn của các cựu chiến binh đã xả thân vì nền độc lập, hòa bình của nước nhà. "Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn để lại tổn thương và nỗi đau về mặt tinh thần và thể xác cho các cựu chiến binh. Chúng cháu luôn biết ơn, nhớ tới chiến công của các bác cựu chiến binh, những chiếc sĩ đã hy sinh. Chúng cháu xin hứa sẽ luôn luôn cố gắng gìn giữ và phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp", Hoàng Anh nói.
Còn bạn Thu Trang, sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gửi tới các bác thương binh một câu hỏi về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay: "Các bác có kỳ vọng gì về chúng cháu trong thời bình để có thể đền đáp được hết công lao, sự hy sinh cao cả thời chiến của các bác?".
Đáp lại câu hỏi của Trang, thương binh Nguyễn Chí Tường ân cần nói: "Nhiệm vụ cốt lõi của thế hệ trẻ hôm nay là học tập để xây dựng đất nước ngày một phồn vinh. Các cháu có cơ hội, điều kiện, thời gian để học tập nên hãy trân trọng, toàn tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả này. Có như vậy, dù hiện tại chúng tôi bị thương tật, đau đớn nhưng nhìn thấy tương lai của đất nước đang được gây dựng từ lớp trẻ nhiệt huyết, trách nhiệm, tôi và đồng đội sẽ càng hạnh phúc và tự hào, cố gắng sống cùng những nỗi đau về thể xác".
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong bày tỏ: Các thương binh với thương tật trên 81%, có người lên đến gần 100%, vẫn hằng ngày chiến đấu với thương tật. Đối với họ, cuộc chiến tranh vẫn không kết thúc dù đất nước đã thống nhất gần 50 năm. Đối với rất nhiều người, chiến tranh vẫn hằng ngày giằng xé, gào thét trên thân thể với những vết thương, những di chứng nặng nề hành hạ. Nhưng các thương binh kiên cường vượt lên đau đớn, những khó khăn thử thách người bình thường khó hình dung để tiếp tục sống, sống có ích. Người có gia đình thì tiếp tục chăm lo cho gia đình, nhiều người chưa có gia đình đã lập được gia đình, góp phần nuôi dạy con cái phương trưởng. Cuộc sống mỗi ngày của các cô bác thực sự vẫn là một cuộc chiến đấu, một cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn".