Trang trại thanh nhãn Vĩnh Phú (xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) của ông Võ Thành Lộc đang vào dịp đang thu hoạch. Những trái thanh nhãn tươi ngon đong đưa trên cành đang chờ tay người hái hứa hẹn một mùa bội thu.
Chủ vườn, ông Lộc chia sẻ, trước năm 2018 ông đã nghiên cứu và trồng 30ha thanh nhãn cho nông trường Phạm Văn Cội.
Từ năm 2018, ông bắt tay đầu tư vào trang trại thanh nhãn này. Ban đầu ông trồng diện tích khoảng 3,5ha và hiện nay đã lên 10ha với hơn 5.000 gốc.
Theo ông Lộc, giống thanh nhãn có ưu điểm là cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, không ngọt lịm như nhãn long hay nhãn da bò, mà chỉ ngọt thanh. Một điểm đặc biệt, thanh nhãn được trồng trên thổ nhưỡng Củ Chi bởi trang trại Vĩnh Phú cho tỷ lệ cơm hạt là 7:3 rất chất lượng.
Ngoài những ưu điểm trên, việc thu hoạch thanh nhãn không giống như các loại nhãn khác. Do trái thanh nhãn không chín cùng một lúc trên một cành nên hằng ngày phải lựa chọn từng trái chín hái trước. Điều này sẽ tốn rất nhiều công thu hoạch.
Để có được kỹ thuật trồng và chăm sóc, ông Lộc đã bỏ rất nhiều thời gian lặn lội khắp các tỉnh miền Tây để học kinh nghiệm và áp dụng vào vườn nhãn của mình.
Qua quá trình nghiên cứu, ngoài áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây, hoa, trái... theo điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết ở Củ Chi, ông Lộc còn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho vườn nhãn.
Theo ông, với kỹ thuật tưới nhỏ giọt tự động hiện đang áp dụng, vừa tiết kiệm được nhân công lao động vừa đảm bảo nước, phân, thuốc thấm sâu vào cây, đạt hiệu quả chăm sóc cao.
Không dừng lại ở đó, trong khoảng 2 năm trở lại đây ông Lộc áp dụng kỹ thuật cho trái nghịch mùa trên diện tích 1,2ha. Việc trồng nhãn nghịch mùa tốn khá nhiều chi phí phân, thuốc khi thúc cây cho trái sớm hoặc hãm cây cho trái muộn, nhưng bù lại nếu thành công thì nhãn có thu hoạch quanh năm.
Vườn thanh nhãn của ông Lộc cho thu hoạch từ tháng 7 - 9, năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha/vụ.
Trái thanh nhãn có giá cao gấp 2 - 3 lần so với các loại nhãn khác. Giá bán tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg có thời điểm lên đến hơn 100.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để được công nhận là đặc sản của vùng Đất Thép, đồng thời nâng tầm giá trị trái thanh nhãn, ông Lộc đã xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, ông đã trồng thanh nhãn theo quy trình VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học, tạo sản phẩm trái cây đáp ứng tốt sức khỏe người tiêu dùng. Vườn nhãn của ông được công nhận VietGAP từ năm 2019 đến nay.
Nói về thị trường tiêu thụ, theo ông Võ Thành Lộc, ban đầu thị trường tiêu thụ chỉ là trong nước nhưng là tại các cửa hàng bán trái cây cao cấp của TP.HCM.
Kể từ khi lên kệ của những cửa hàng uy tín này, sản phẩm thanh nhãn Vĩnh Phú được khách hàng biết đến và tìm mua rất nhiều.
Không dừng lại ở đó, thanh nhãn của ông Lộc đã được lên sàn giao dịch quốc tế, xuất khẩu sang một số nước, trong đó có những thị trường khó tính như Úc, Mỹ…
Ông chia sẻ, năm 2020 ông xuất khẩu 1 đợt hàng khoảng 1,3 tấn, năm 2022 anh xuất khẩu được 8 đợt hàng.
Hiện tại, ông Lộc đang mở rộng sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu thuận lợi mùa nhãn năm sau thanh nhãn Vĩnh Phú sẽ được xuất khẩu sang thị trường mới này.
Đối với ông Lộc, chất lượng sản phẩm hiệu quả đem đến sức khỏe cho người tiêu dùng là quan trọng nhất.
Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục đăng ký sản phẩm OCOP cho thanh nhãn của mình. Đồng thời, anh tiếp tục áp dụng những kỹ thuật cho trái nghịch mùa nhằm đạt hiệu quả cao hơn nữa để phục vụ người tiêu dùng quanh năm và tăng thu nhập cho gia đình.
Ngành nông nghiệp TP HCM đang tập trung thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27/4/2019 của UBND thành phố.
Chương trình lần này tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng cây có hiệu quả thấp (lúa, mía, cao su) sang phát triển các loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp (rau, hoa, cây kiểng) và đến năm 2025, diện tích cây ăn trái còn 4.000ha (giảm 1.600 ha so với năm 2022, tương đương 28,6%).
Sở NNPTNT TP HCM đang đề xuất xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, định hướng phát triển cây ăn trái phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể, đề xuất diện tích cây ăn trái đến năm 2025 là 4.500ha và đến năm 2030 còn 4.000ha. Tập trung chủ yếu dọc theo sông Sài Gòn, tại huyện Củ Chi và khu vực giồng cát tại huyện Cần Giờ.