Mở đầu bài viết, Võ Thiện Thanh nhắc tới một câu chuyện xúc động: "Tôi vẫn nhớ là anh Quốc Dũng có kể câu chuyện của đời anh, rằng anh rất mê Paul Mauriat, đến nỗi đã viết một lá thư cho ông ấy. Anh viết là viết vậy thôi, chứ không hy vọng gì sẽ được hồi âm. Vậy mà bỗng một ngày, anh đã được hồi âm. Chính ông Paul Mauriat đã viết thư tay từng nét chữ cho anh Dũng. Anh thật bất ngờ và hạnh phúc. Thì ra những bậc thầy thường cho ta thấy một nhân cách lớn, thông qua những việc tưởng chừng rất vụn vặt. Câu chuyện thật của nhạc sĩ Quốc Dũng đã cho tôi thấy sự mãnh liệt trong niềm đam mê học hỏi của anh và lý giải tại sao những bản phối của anh luôn đắt giá đến từng câu intro (đoạn dạo đầu), từng hợp âm anh đặt xuống, từng âm sắc anh lựa chọn, luôn luôn đúng nơi đúng chỗ. Cứ như một bài toán có nhiều cách giải, mà "cách giải" của anh lúc nào cũng hay nhất".
Võ Thiện Thanh kể lại, khi còn cậu học sinh trung học miền duyên hải, anh thường hay ra một quán cà phê, chỉ để được nghe băng cassette nhạc Gò Công mà nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm các ca khúc của các nhạc sĩ Hoàng Phương và Tô Thanh Tùng, qua tiếng hát của Bảo Yến và Nhã Phương. "Tôi cứ trầm trồ là tại sao đoạn dạo đầu của nhiều bài lại hay đến như vậy. Các bài phối của anh Quốc Dũng luôn là những câu intro không thể thay thế hay tách rời, những tuyến nhạc cụ được sử dụng duyên dáng và không thể hợp lý hơn. Bạn hãy thử nghe lại Chiều hạ vàng (Nguyễn Bá Nghiêm) mà xem, sẽ thấy câu nhạc dạo đầu nó hay không thể tả!" - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chia sẻ.
Một điều thú vị ở nhạc sĩ Quốc Dũng cũng khiến nhạc sĩ Võ Thiện Thanh kinh ngạc, đó là ông học âm nhạc phương Tây, nhưng lại là bậc thầy khi hòa âm những làn điệu dân ca Việt Nam: "Cái "bậc thầy" đó không có nghĩa là phải mang tất cả các chất liệu âm nhạc dân gian vào cho thật đậm đặc, để chứng tỏ rằng đấy là dân ca, là chất Việt. Ông bậc thầy ở chỗ, hoà tan thành một thứ mật ngọt vừa đủ dịu dàng để có thể làm tê liệt những ai yêu mến dòng nhạc quê hương trữ tình của Bảo Yến, bất kể họ từ vùng miền nào. Điều này làm cho tôi liên tưởng tới cái "chất Việt" trong nhạc Phạm Duy: Một sự hoà quyện và thấm đẫm thật tài tình, tự nhiên như hơi thở".
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng nhắc tới chặng đường sáng tác đầy nổi bật của nhạc sĩ Quốc Dũng, anh khẳng định: "Nhạc sĩ Quốc Dũng chính là một người tiên phong với những bài hát mang phong cách hiện đại và tươi trẻ giai đoạn sau giải phóng. Còn nhớ những năm từ 1978 cho tới 1998, người nghe thường có ba phân khúc để lựa chọn: Nhạc tiền chiến, nhạc cách mạng và nhạc ngoại, thì Quê hương, Tình yêu và Tuổi trẻ và Điệp khúc mùa xuân của anh Dũng vang lên khắp các tụ điểm ca nhạc cùng quán cà phê, như đại diện cho sự trẻ trung, khát khao của nhạc trẻ miền Nam".
Phần cuối bài viết, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh một lần nữa nhắc lại niềm kính trọng, cũng như sự tri ân của anh dành cho nhạc sĩ Quốc Dũng: "Ở một nơi nào đó, có lẽ anh Quốc Dũng đang gặp Paul Mauriat, nơi hội tụ của những bậc thầy với một phong thái luôn điềm tĩnh, nhân hậu và khiêm nhường. Có thể với anh Dũng, Paul Mauriat là bậc thầy. Nhưng với tôi, chính anh là một bậc thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ, quý trọng và xem anh như một tấm gương để tôi noi theo trên con đường âm nhạc của mình. Không ít những người đang làm nghề trong chúng tôi đang chịu sự ảnh hưởng từ anh, một bậc thầy đáng kính vừa nằm xuống".
Nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời vào 9h ngày 24/9 tại nhà riêng ở TP HCM ở tuổi 72. Trưa 25/9, gia đình tiễn biệt và đưa linh cữu nhạc sĩ đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa (TP HCM)