Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Khi mới triển khai thực hiện, OCOP là chương trình mới nên việc tiếp cận còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tư tưởng, nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình; quy mô sản xuất hàng hóa của các sản phẩm tiềm năng, lợi thế trên địa bàn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; các sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn, chất lượng và quy mô để phát triển theo tiêu chuẩn OCOP.
Do đó, khi bắt tay thực hiện chương trình, huyện Đông Giang đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đưa các chủ thể sản xuất tiêu biểu đi tập huấn, tham quan mô hình sản xuất nhằm định hướng tư tưởng, cách làm và tạo sức lan tỏa của chương trình đối với nhân dân.
Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để khơi gợi sự chủ động của các chủ thể sản xuất với chương trình. Với nỗ lực đó, những khó khăn, vướng mắc ban đầu khi thực hiện chương trình OCOP dần được tháo gỡ.
Ông Phương cho biết thêm, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện Đông Giang đã có 16 sản phẩm OCOP của 9 chủ thể, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.
Các sản phẩm OCOP được xây dựng và phát triển từ chính những nông sản, sản vật đặc trưng của miền núi Đông Giang như: Ớt A Riêu, Chè dây Ra Zéh, Trà xanh Quyết thắng, Trà OoLong Quyết Thắng, Trà hoa hồng Panan, Chè dây hoa hồng, Rượu Ka Kun, Rượu Tà Vạc, các sản phẩm trang trí, thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống….
Năm 2023, Đông Giang tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao gồm 11 sản phẩm của 9 chủ thể (10 sản phẩm mới và 1 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh đánh giá lại).
"Các sản phẩm OCOP của địa phương được các ngành có liên quan tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, nên thị trường tiêu thụ ngày càng rộng hơn, từ đó nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn miền núi…", ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang.