LTS: Con người bình đẳng như nhau, dù ở đô thị hay nông thôn, người dân đều có quyền được sử dụng nguồn nước sạch mà không phân biệt quyền lợi, trách nhiệm. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, dù hạ tầng kinh tế đã và đang phát triển, nước sạch vẫn chỉ nằm trong nguyện vọng, là niềm khao khát chưa biết khi nào mới đạt được. Nhu cầu là có thật, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình nhằm giải cơn khát cho người dân. Thế nhưng nguyên nhân nào khiến việc triển khai hệ thống cấp nước nông thôn còn gặp nhiều trắc trở?
Chồng chéo quy định về cấp nước
Trước đó, Dân Việt có các bài viết "Hàng vạn hộ dân khát nước sạch giữa thủ đô Hà Nội: Vì đâu?" và "Hàng vạn dân Hà Nội thiếu nước sạch, Aqua One của Shark Liên bị "điểm tên" nêu nên tình trạng tại nhiều địa phương, người dân đang vô cùng khao khát có nước sạch để sử dụng dù sống ngay tại địa bàn Thủ đô, cũng như vấn đề kém thu hút đầu tư khiến nhiều doanh nghiệp quay lưng.
Để tìm ra giải pháp tháo gỡ những bất cập, PV Dân Việt đã có những trao đổi với Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Diệp và được biết, hiện nay lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải chịu sự điều chỉnh của 15 Luật (Luật Xây dựng; Luật đầu tư, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước…) 11 Nghị định của Chính phủ (NĐ 117 ngày 11/7/2007 quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; NĐ 80/ 2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải…).
Đây là còn chưa bao gồm các Quyết định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ chuyên ngành… Dù hoạt động dựa theo nhiều quy định như vậy, nhưng cấp nước lại chưa có Luật chuyên ngành, điều này dẫn đến sự thiếu chặt chẽ về đặc thù của ngành và gây nhiều tồn tại tiêu cực.
"Ví dụ như điều kiện đối với các nhà đầu tư được tham gia vào lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải hoặc một số quy định về nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa chưa chặt chẽ. Quy định về hoạt động cấp nước bằng hình thức đầu tư PPP chưa được ban hành, chế tài thực hiện chưa nghiêm… Vì vậy, Luật chuyên ngành về cấp nước, thoát nước khi được ban hành sẽ là hành lang pháp lý rõ ràng mình bạch cho các nhà đầu tư", Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) cho hay.
Tại tờ trình Đề nghị xây dựng Dự án Luật Cấp, thoát nước, Bộ Xây dựng cho biết, do chưa có Luật chuyên ngành, hoạt động, dịch vụ cấp thoát nước bị chi phối bởi nhiều Luật khác có liên quan và tác động trực tiếp đến huy động nguồn lực đầu tư, vận hành công trình xử lý nước thải, cấp nước sạch..
Đến nay công tác phân vùng cấp nước và định hướng các nhà máy quy mô vùng chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, phát triển cấp nước đô thị chưa hỗ trợ phát triển cấp nước nông thôn về tạo nguồn nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch. Việc quản lý, đầu tư phát triển cấp nước giữa đô thị và nông thôn còn nhiều hạn chế, đầu tư còn chồng chéo, chưa hiệu quả và thiếu bền vững.
Đối với quá trình lựa chọn đơn vị cấp nước, hiện đang tuân thủ theo pháp luật đấu thầu, trong khi các đơn vị cấp nước có vốn nhà nước không được tham gia. Mặt khác, dự án đầu tư mạng đường ông theo vùng phụ vụ cấp nước phức tạp, chi phí đầu tư biến động lớn theo điều kiện địa chất, hạ tầng giao thông và chất lượng vật liệu, thiết bị gây khó khăn cho quá trình đấu thầu.
Nói về khó khăn khi bàn giao công trình cấp nước, Chủ tịch HĐQT Công ty Nước sạch Phú Thọ Nguyễn Văn Bút cho hay, "Nghị định 43 quy định có thể chuyển giao tất cả các công trình nước sạch nông thôn cho các công ty thoát nước quản lý. Nhưng cho đến bây giờ, thủ tục và phương pháp chuyển giao là chưa rõ ràng. Đồng thời việc tiếp nhận bảo quản như thế nào, ai chi trả và chi trả ra sao để tính vào giá nước cũng chưa được làm rõ".
Có Luật, rõ trách nhiệm
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng đang gặp nhiều khó khăn như vấn đề an ninh, ô nhiễm nguồn nước, năng lực quản lý và ứng phó với rủi ro thiên tai, sự gia tăng dân số, tác động của biến đổi khí hậu hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn và đặc biệt là tác động của đại dịch COVID 19 trong 2 năm qua đã và đang là những khó khăn thách thức.
Có tác động trực tiếp đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành trong đó có các doanh nghiệp ngành nước của Việt nam – là ngành cung cấp hàng hóa đặc biệt, nhu cầu thiết yếu không thể thay thế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân và an sinh xã hội, là nền tảng cho các mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia.
Do đó, Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Diệp cho rằng xây dựng Luật Cấp Thoát Nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nước Việt Nam hiện nay, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cao nhất thúc đẩy sự phát triển ngành nước theo hướng hiệu quả, bền vững.
Chủ tịch VWSA cho biết trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật, nhiều diễn giả trong nước và quốc tế có uy tín trong lĩnh vực thể chế chính sách tế và kinh nghiệm xây dựng Luật ngành nước đã đăng ký tham dự và trình bày thông qua các hoạt động của Hội thể hiện sự quan tâm của xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, với mục tiêu Luật Cấp Thoát Nước sẽ được trình Quốc Hội ban hành trong 2025.
"Luật Cấp Thoát Nước được ban hành sẽ điều chỉnh đồng bộ hoạt động liên quan đến công tác quản lý, quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng, kinh doanh trong các hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải. Song song, quy định rõ trách nhiệm nghĩa vụ của từng đối tượng trong hoạt động cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đảm bảo cấp nước an toàn và quản lý nước thải an toàn trong một Luật chuyên ngành", Chủ tịch VWSA Nguyễn Ngọc Điệp khẳng định.
Cấp nước sạch cho người dân là vấn đề an sinh xã hội, các hoạt động này cần có sự kiểm soát của nhà nước, tuy nhiên thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp tự do kinh doanh không theo lộ trình nhất định, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương thiếu thốn hạ tầng nước sạch, gây bức xúc với người dân dù sống ngay tại thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội.