Chính phủ vừa yêu cầu các địa phương ưu tiên đầu tư vận tải hành khách công cộng, nhất là loại hình lưu lượng lớn. Người dân được khuyến khích chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tại đô thị lớn.
Chính phủ giao các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP.HCM phân luồng giao thông, quản lý xe cá nhân để tạo không gian đi bộ trên vỉa hè cho người dân, giúp họ dễ tiếp cận phương tiện vận tải công cộng.
Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM cần đảm bảo tiến độ. Tuyến giao thông kết nối với đường sắt đô thị, buýt nhanh (BRT) cần được xây dựng. Mạng lưới xe buýt hoàn thiện, trong đó có xe nhỏ phù hợp với điểm trung chuyển, đầu mối giao thông, kết nối đường sắt đô thị.
Để thực hiện việc này, UBND TP.Hà Nội cũng có quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị, trong đó nêu cụ thể về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị TP.Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay, hiện nay Hà Nội đang trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân…
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, Hà Nội đưa ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án và các chương trình ưu tiên thực hiện. Trong đó, đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào, Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 - 2025.
Ngoài ra, đề án cũng phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Thống kê đến tháng 7/2022, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai.
Chuyên gia giao thông Khương Văn Tạo cho hay, hiện nay, phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng được khoảng gần 20% nhu cầu đi lại của người dân. Chủ trương hạn chế các phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện giao thông công cộng nhằm phát triển kinh tế xã hội, tạo sự thuận lợi cho người dân là chủ trương hoàn toàn đúng, chính xác.
Bởi vậy, theo ông Tạo, giải pháp xương sống của vấn đề này là Hà Nội phải quy hoạch lại toàn bộ thành phố, bao gồm việc định hướng phát triển thành phố trong thời gian tới như thế nào, rồi quy hoạch về dân cư, các cơ quan, quy hoạch về phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Song song với đó, phát triển các loại phương tiện công cộng theo mô hình liên kết như xe buýt cỡ lớn, xe buýt cỡ nhỏ, tàu điện điện, xe đạp công cộng. Đồng thời, ưu tiên xây dựng hạ tầng, công nghệ. "Như vậy để làm được phải có một nghiên cứu tổng thể, khoa học, chi tiết", ông Tạo nói.
Ông Tạo cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu làm sao đưa ra được giải pháp, nghĩ đến đời sống của người dân. Khi cấm xe máy, người dân sẽ có nhiều lựa chọn thay thế như đi xe buýt, tàu điện…Rồi nếu như người dân không mưu sinh bằng xe máy nữa, họ sẽ được sắp xếp bố trí một công việc khác phù hợp…Và cái quan trọng nữa, là việc cấm này không ảnh hưởng tới đời sống người dân.
"Hà Nội cũng có thể cân nhắc, nếu như ở từng địa điểm cụ thể mà hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì có thể thực hiện ngay việc hạn chế xe cá nhân ngay, không cần thiết phải đợi đến 5 năm hoặc 10 năm nữa. Cơ quan quản lý cần phải xây dựng được các giải pháp đồng bộ, tương thích giữa các hình thái giao thông, tạo được mạng lưới giao thông dày đặc", ông Tạo nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay, để đề án đi vào thực tế, cơ quan chức năng cần phải phát triển được vận tải công cộng, ít nhất đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân.
Đồng thời, phát triển đường sắt, tàu điện, xe buýt hướng xuyên tâm; phải có nơi để người dân gửi xe máy để chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Đây là những điều kiện kiên quyết Hà Nội cần phải làm được.
Trước đó, tháng 12/2021, Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5.
Sau năm 2030, thành phố dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.