Kinh nghiệm từ nước ngoài: Hạn chế xe cá nhân là tất yếu

Thứ bảy, ngày 30/11/2013 07:24 AM (GMT+7)
Không cấp đăng ký mới, không tạo chỗ đỗ xe riêng, cấm người không có chỗ đỗ xe mua phương tiện mới, hạn chế phát triển làn đường dành cho xe máy… là những biện pháp mà các nước áp dụng để hạn chế xe cá nhân lưu thông.
Bình luận 0
Với tốc độ tăng trưởng dân số đến chóng mặt, cùng với nạn ô nhiễm không khí, Trung Quốc được cho là nước quyết liệt nhất trong việc cấm xe cá nhân lưu thông để giảm ùn tắc giao thông.

Theo kế hoạch, đầu năm 2014, Trung Quốc sẽ cấm những người không có chỗ đỗ xe riêng mua phương tiện mới. Theo quy định này, những ai muốn mua xe mới phải trình “giấy chứng nhận có chỗ đỗ xe” trước khi mua. Hiện Bắc Kinh có đến 5 triệu xe ô tô nhưng chỉ có 741.090 chỗ đỗ xe. Theo tính toán, lượng xe sẽ giảm được là một con số rất đáng kể.

Mặc dù, chính sách này sẽ gặp phải rất nhiều sự phản đối của người dân, nhưng giới chức Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết đó là xu thế phát triển của tương lai.

Hạn chế xe máy là xu hướng tất yếu trong tương lai của các đô thị lớn trên thế giới (ảnh minh họa, chụp tại Hà Nội).
Hạn chế xe máy là xu hướng tất yếu trong tương lai của các đô thị lớn trên thế giới (ảnh minh họa, chụp tại Hà Nội).

Trước đó, 92 thành phố ở 24 tỉnh của Trung Quốc cũng đã cấm xe máy để cải thiện tình trạng an toàn giao thông. Tại Quảng Châu, người sở hữu xe máy đã bị cấm lưu thông trong nội thành trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Lệnh cấm này được thực thi từ tháng 10.1991. Đến năm 1995, Quảng Châu chấm dứt hẳn việc đăng ký xe mới và cấm xe ngoại tỉnh đi vào thành phố.

Tuy nhiên, để việc cấm xe cá nhân lưu thông không gây ra bức xúc trong dư luận, chính quyền thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng như xây dựng thêm nhiều trạm xe buýt, hạn chế tối đa phát triển làn đường dành cho xe máy, nghiêm cấm xe máy chạy ở một số tuyến đường. Năm 1999, cấm những xe máy đăng ký ngoại tỉnh vào thành phố và hạn chế dần những xe máy đăng ký ở Quảng Châu. Tháng 1.2002, những xe sử dụng quá 15 năm, những xe kiểm tra không đủ chất lượng sẽ bị tịch thu và xem như phế thải. Năm 2003, thời hạn sử dụng xe máy còn 8-10 năm. Tháng 5.2004 đến hết năm 2006, hạn chế lưu thông xe máy ở một số tuyến đường chính vào những khoảng thời gian được quy định cụ thể. Đây là bước đệm quan trọng để chính quyền thành phố Quảng Châu áp dụng lệnh cấm hoàn toàn xe gắn máy lưu thông trên tất cả các tuyến đường trong thành phố.

Khi lệnh cấm chính thức áp dụng, chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích như mua lại xe máy của người dân hay hỗ trợ việc làm đối với những người kinh doanh vận chuyển bằng xe máy.

Còn ở Thiên Tân, năm 2002 chính quyền thành phố cũng đã hủy bỏ đăng ký của những xe đã hỏng, không cấp đăng ký mới, không cấp đăng ký cho xe bị mất giấy tờ, đồng thời, hạn chế xe máy trên 31 tuyến đường trong thành phố. Còn tại Singapore, mỗi khu vực chỉ được cấp một số lượng chỗ đỗ xe nhất định. Muốn mua ô tô thì phải có giấy chứng nhận sở hữu bãi đỗ xe. Chi phí cho mỗi chỗ đỗ cũng không rẻ, bao gồm chi phí ban đầu gần 200.000USD và phí thường niên.

Từ năm 2008, các thành phố ở Đức như Berlin, Cologne, Hanover hay ở Ấn Độ như New Delhi, Mumbai… cũng xem xét áp dụng thu phí ùn tắc nhằm hạn chế sự phát triển quá mức các phương tiện cá nhân, gây quá tải cho hạ tầng giao thông và ô nhiễm môi trường

TS Lương Hoài Nam – nguyên Tổng Giám đốc Jetstar Pacific: Cần có lộ trình cấm xe máy


Kể cả ở các quốc gia nghèo hơn VN cũng không đâu có mật độ xe máy cao như ở nước ta. Có thể nhìn sang Myanmar, ở Yangoon đã thực hiện cấm hoàn toàn xe máy từ lâu mà vẫn giải quyết được nhu cầu giao thông đô thị. Mặc dù chất lượng xe buýt và ô tô cá nhân ở Yangoon chưa tốt nhưng chính quyền đã thực hiện được mục đích cấm xe máy ở nơi còn rất nhiều khó khăn về kinh tế. Mục đích đầu tiên của việc đặt ra lộ trình cấm xe máy là an toàn giao thông. Mục đích tiếp theo là để giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.


Theo các báo cáo được công bố, xe máy và ô tô đóng góp 70% khí thải gây ô nhiễm môi trường ở các đô thị VN. Theo quy hoạch giao thông, đến năm 2020 cả nước có 36 triệu xe máy nhưng đến hết quý I/2013 số lượng xe máy ở VN đã vượt 37 triệu chiếc. Trung bình mỗi năm người VN mua thêm khoảng 3 triệu chiếc xe máy. Nếu có một nền giao thông công cộng phát triển, số tiền khổng lồ này có thể đầu tư cho các mục tiêu khác, trong đó có việc đầu tư vào chính giao thông công cộng.
V.H (ghi)


Hạ Anh (tổng hợp) (Hạ Anh (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem