Ngày 27/9, một tài khoản đã đăng tải trên diễn đàn dành cho phụ huynh có con học tiểu học, với nội dung: "Lỡ cho con vô học trường này rồi. Nhìn quỹ lớp mà ứa nước mắt. Xin ra không kịp"... kèm với đó là một bảng thu - chi quỹ phụ huynh lớp 1/2 - Trường Tiểu học Hồng Hà.
The bảng thu chi này, số tiền thu đầu năm của lớp là 310 triệu đồng; số tiền đã chi từ ngày 13/8 đến 25/9 là hơn 260 triệu đồng.
Trong đó, tiền chi ứng trước cho nhà thầu sửa chữa phòng học, chi thanh toán tiền sửa chữa phòng học, chi tiền sơn bàn ghế và lót gạch bên hông lớp học và tiền chi trả phí xây dựng lớp cho bên thầu xây dựng là 225.500.0000 đồng.
Ngoài ra, các khoản chi khác gồm: hơn 1,6 triệu đồng tiền hòa mạng internet và đóng cước 6 tháng; hơn 1,5 triệu đồng tiền mua micro gắn loa có sẵn từ tivi; 10 triệu đồng tiền mua quà cho học ngày 21/8, mua đồ trang trí lớp và mua cây xanh để ở lớp; 4 triệu đồng tiền văn nghệ (tiền dạy múa, thuê đồng, phục, đạo cụ..) biểu diễn trong lễ khai giảng của học sinh lớp 1/2.
Bảng kê còn có gần 3 triệu đồng tiền mua đồ dùng học sinh, đồ để vệ sinh lớp học; hơn 5 triệu tiền ăn uống + gấu bông suốt các buổi tập văn nghệ; 277.000 đồng tiền mua vải thun làm rèm treo thay đồ cho học sinh; hơn 4 triệu đồng tiền trang phục chị Hằng, chú cuội và mua lồng đèn; 1,5 triệu đồng tiền bảo mẫu nhờ thêm người bưng bê, dọn dẹp ăn trưa (cả năm) và 4 triệu đồng hỗ trợ bảo mẫu trong học kỳ 1.
Bài đăng ngay lập tức nhận sự quan tâm lớn của dư luận, ai cũng "choáng ngợp" trước số tiền phụ huynh bỏ ra để tân trang lại phòng học cho học sinh đầu năm học mới. Nhiều người cho rằng, sửa phòng học mà tưởng sửa cả nhà.
Tài khoản K.P (quận Gò Vấp) cho biết, không hiểu sửa lại phòng học bằng chất liệu gì mà có giá "trên trời" đến vậy. Dẫn chứng điều này, K.P nói, ông xây nhà kết cấu một trệt, một lầu (có đổ móng) nhưng chưa đến 300 triệu đồng; trong khi đó, sửa một phòng học có giá tận 225,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều người bày tỏ sự ái ngại, lo lắng dùm các phụ huynh, bởi với số tiền lớn như vậy chắc chắn sẽ là gánh nặng cho những phụ huynh không có điều kiện tốt trong lớp học này.
Theo xác minh của phóng viên Dân Việt, bảng thu - chi quỹ phụ huynh nói trên xuất phát từ Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Cùng ngày, ThS.Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà và cô Huỳnh Ngọc Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, cũng xác nhận, bảng thu - chi trên đúng là của lớp 1/2 của trường này.
Theo chia sẻ của cô Thủy, việc sửa chữa phòng học và các khoản liên quan như bảng thu - chi công bố đều do phụ huynh của lớp họp bàn, và đồng thuận 100% rồi mới thực hiện.
Theo cô Thủy, phòng học của trường cơ bản có đầy đủ các thiết bị như bàn học, bảng, quạt, tivi, loa... tuy nhiên, quá trình sử dụng lâu ngày nên phòng cũ kỹ, không được sạch đẹp; đồng thời, cũng không có máy lạnh. Do đó, phụ huynh muốn sửa lại cho sạch đẹp, gắn máy lạnh để con em được học tập trong môi trường tốt nhất.
Trong cuộc họp phụ huynh trước đó, 100% phụ huynh đồng thuận việc sửa chữa, như làm lại nền, gắn máy lạnh, làm cửa, sơn tường, mua tủ,...
Lớp có 32 học sinh, mỗi phụ huynh đóng 10 triệu đồng để thực hiện công trình này. Dù vậy, trong lớp có 1 phụ huynh không đóng khoản tiền này.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 khẳng định, tất cả các hạng mục nêu trên đều do ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đứng ra thực hiện. Phòng học này được sử dụng cho học sinh của lớp trong suốt 5 năm học (lớp 1 đến lớp 5). Đồng thời, chính một phụ huynh trong lớp nhận việc sửa chữa, sử dụng vật liệu tốt nhất và cân đối để có giá cả tốt nhất.
Đối với việc hòa mạng internet, cô Thủy cho biết dù nhà trường đã phủ mạng internet nhưng mạng hơi yếu. Phụ huynh của lớp muốn kéo mạng riêng để phục vụ tốt nhất trong quá trình dạy học các môn học liên quan, cần sử dụng đến internet.
Trong khi đó, cô Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, cho biết việc sửa chữa phòng học là do phụ huynh tự nguyện, đồng thuận thực hiện, nhà trường hoàn toàn không bắt ép. Về bảng thu - chi bị phản ánh, cô Yến cho biết bản thân không nắm việc này, vì không phải chủ trương của trường.
Khi phóng viên đặt vấn đề, trong thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về ban hành điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh, có nêu rõ kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh, và không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Trong khi đó, lớp 1/2 đang đổ đồng quỹ phụ huynh là 10 triệu đồng/người.
Bên cạnh đó, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học, hoặc gia đình người học để thực hiện hoạt động như vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Trả lời vấn đề này, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 cho rằng, phụ huynh sửa lại phòng học cho con em cũng giống như người trong nhà muốn sửa lại phòng ở. Trong khi đó, Hiệu trưởng nhà trường thì cho rằng, đây là công trình tài trợ theo kiểu chìa khóa trao tay. Sau khi hoàn thành các hạng mục, phụ huynh sẽ bàn giao lại cho lớp.
Dù vậy, nếu thực hiện sửa chữa theo hình thức "chìa khóa trao tay", tức là vận động tài trợ theo thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu... Đồng thời, cơ sở giáo dục tiểu học phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt trước khi tổ chức vận động tài trợ.