Ngày 9/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2410/QĐ - TTg công nhận huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.
Huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2016. Ảnh: Vũ Thượng
Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí để quá đó đó huyện đủ các điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Hoa Lư đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.
Một tuyến đường tại huyện Hoa Lư. Ảnh: Vũ Thượng
Cụ thể, trong công tác tuyên truyền, huyện Hoa Lư đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và mỗi cán bộ, đảng viên về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, triển khai nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo; biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Trên bức tường tại xã Ninh An, huyện Hoa Lư được người dân vẽ các bức tranh sinh động. Ảnh: Vũ Thượng
Ngoài ra khắc phục những tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, nóng vội chạy theo thành tích. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, khơi dậy sự hưởng ứng tham gia của toàn cộng đồng với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Đến nay, toàn huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã có 5/10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (gồm xã Ninh Giang, Ninh Mỹ, Trường Yên, Ninh Thắng và Ninh Hải); có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Ninh An) và 56/85 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Thiên Tôn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được biết đến với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng. Ảnh: Vũ Thượng
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, huyện Hoa Lư xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với tiềm năng, lợi thế có nhiều khu, điểm du lịch, trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Sự phát triển của du lịch đã thu hút hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cánh đồng lúa chín tại Tam Cốc thu hút rất đông du khách đến tham quan mỗi năm. Ảnh: MĐ
Du lịch phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản. Tuy nhiên, huyện Hoa Lư xác định một số sản phẩm chủ lực như: Lúa gạo, sen và các sản phẩm từ sen; dê và các sản phẩm từ thịt dê, cá rô Tổng Trường và các sản phẩm từ cá rô Tổng Trường...
Người dân xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư) chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen. Ảnh: Vũ Thượng
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" luôn được huyện Hoa Lư quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 10 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận. Năm 2023, huyện Hoa Lư đăng ký mới 7 sản phẩm và 1 sản phẩm cấp lại sao.
Để có được kết quả trên, huyện Hoa Lư đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc biệt là Đề án số 2 của UBND huyện về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Hoa Lư giai đoạn 2021-2025.
Huyện Hoa Lư đã có hơn 10 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận. Ảnh: VT
Trong đó, có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực như hỗ trợ phát triển đàn dê bản địa, hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp và chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, huyện Hoa Lư đã có quy hoạch cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích hơn 30 ha, đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Mỗi năm, nghề đá mỹ nghệ mang lại doanh thu cho địa phương hàng trăm tỷ đồng, thu nhập bình quân của hàng nghìn người lao động làm nghề đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân mang lại doanh thu cho địa phương hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Vũ Thượng
Được biết năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Hoa Lư đạt gần 65 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt trên 141 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 1,42% theo tiêu chí mới.
Kinh tế phát triển đã làm cho diện mạo nông thôn ở huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) nhiều đổi thay. Cụ thể kết cấu hạ tầng được đầu tư, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Tuyến đường cây bồ đề tại huyện Hoa Lư dài nhất Việt Nam. Ảnh: Vũ Thượng
Hiện nay, 100% tuyến đường do huyện Hoa Lư quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa. Tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa, bê tông xi măng hóa đạt 100%. Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ thường xuyên được đầu tư cải tạo, nâng cấp, thuận tiện cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Riêng vấn đề môi trường là tiêu chí khó trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hoa Lư. Tuy nhiên, với nhiều cách làm hay, thiết thực, cụ thể của các tổ chức đoàn thể như: "Nhà sạch, vườn đẹp", "5 không, 3 sạch",…qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống.
Tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư luôn đảm bảo sạch đẹp Ảnh: Vũ Thượng
Đến nay, 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoa Lư đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung từ 1-3 lần/tuần. bên cạnh đó, đối với các xã trong vùng Quần thể danh thắng Tràng An, rác thải được thu gom, vận chuyển hàng ngày, tạo nên diện mạo mới ở các vùng quê yên bình.
Xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Ảnh: TY
Huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Với một số tiêu chí chưa có hướng dẫn cụ thể và các chỉ số chưa vững chắc, huyện Hoa Lư đã đề xuất và phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn, tập trung chỉ đạo nhằm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.