Quen vì ai ra đường cũng sẽ gặp xe buýt, càng thân thiết với những ai đi xe buýt hàng ngày, nhưng lại hơi xa lạ với những người cả năm có khi không đi xe buýt bao giờ. Nhưng từ khi Hà Nội có thêm xe buýt hai tầng, nhiều người chưa bao giờ đi xe buýt cũng đã có trải nghiệm thú vị khi ngắm Hà Nội từ tầng 2 xe buýt.
Thời những năm 1980, xe buýt và tàu điện song hành vài tuyến đường chính ra vùng ven như chợ Mơ, chợ Bưởi, Hà Đông. Dân kẻ chợ vào nội đô chủ yếu chọn tàu điện vì giá vé rẻ hơn, dễ mang quang gánh, thúng mủng; dân đi làm nhà nước thì thích đi xe buýt vì nhanh và có vé tháng giá rẻ.
Trên xe buýt là cả một thế giới rất khác với thế giới dưới đường. Nếu ai đã từng hay đi xe buýt tuyến số 15 Bờ Hồ - Đuôi Cá thi thoảng sẽ được đi xe buýt do một người phụ nữ lái - cô Quỳ. Tôi đã từng được đi xe buýt cô Quỳ lái, khi thấy trẻ con lên xe, bao giờ cô Quỳ cũng nói hành khách tránh ra để cho mấy đứa trẻ con đứng ngay sau cạnh ghế lái. Bọn trẻ con thì vừa thích vừa sợ, thích vì đứng đó ngắm đường phố nhưng lại sợ cô Quỳ mắng dù chẳng bao giờ cô mắng bọn học sinh đi học xa.
Đứng ở đầu xe mới thấy cô Quỳ lái xe "lụa" vô cùng, những cú đánh lái tránh vũng nước to hay né những người chạy ra bám cửa nhảy xe. Cô Quỳ nói nếu để người khác bám cửa nhảy lên sẽ bị phạt, và có trẻ con đừng đầu xe thì đỡ bị công an tuýt còi hơn.
Đi xe buýt những năm 1980 sợ nhất nạn móc ví, rạch túi quần. Lên xe mà thấy ai vắt cái áo bạt che mưa lên cánh tay đặt ngang bụng thì nghìn phần trăm là dân "hai ngón". Họ cứ đứng cạnh khách ngồi, thò hai ngón tay dấu trong áo bạt vào túi ngực để rút tiền, nếu bị phát hiện thì thụt tay lại chui trong áo bạt, thế là hòa. Khách nam thì hay nhét tiền trong túi quần sau, dân "hai ngón" kẹp chiếc Panh-xa-lam giữa 2 ngón tay, cứa ngọt toạc miệng túi quần sau là xếp tiền rơi ra, xe đông, len nhau, đến khi sờ túi biết mất tiền thì đội rạch túi đã nhảy xuống xe từ bao giờ.
Những năm đầu thế kỷ XXI, nạn móc túi vẫn diễn ra trên xe buýt, có cô bé học sinh đi học, bị móc mất chiếc điện thoại Nokia, nhanh trí mượn ngay điện thoại của bác lớn bên cạnh gọi và thấy tiếng chuông trong túi cậu nam giới vừa đứng bên. Đòi lại điện thoại nhưng là con gái cũng chỉ dám thốt một câu "Con trai mà ăn cắp của con gái à". Nạn móc túi trên xe buýt được dẹp nhưng bọn trộm lại chuyển sang móc túi của hành khách tại bến xe. Lúc đang tíu tít bước lên xe là lúc hai ba tên trà trộn chen lấn, tên đứng trước móc túi của khách tuồn ra cho tên đứng sau. Rồi một lần, có anh công an mật bắt gọn một tên vừa móc Iphone của hai mẹ con, clip được một khách ghi lại đưa lên mạng. Chị em vào xem mà cứ thốt lên "công an bắt trộm là được rồi, có cần đẹp trai thế không" hoặc "soái ca đây rồi".
Khoảng gần hai chục năm nay, xe buýt đã đẹp, mát và thoải mái hơn rất nhiều. Có những cô cậu học trò cấp 3 nhà tít ngoại thành nhưng đi xe buýt vào nội thành học, mỗi ngày hai chuyến đi về cũng đến gần dăm chục cây số. Mới năm ngoái đây thôi, báo chí còn viết về một cô học sinh nhà tận Bắc Ninh, suốt 7 năm liền đi xe buýt hàng ngày lên Hà Nội học phổ thông và rồi dành học bổng mấy tỷ đồng bên Mỹ. Vui nhất là các cụ về hưu, được miễn phí vé nên cứ có hẹn là cứ liên tuyến lên rung đùi ngồi ghế một lúc là tới nhà nhau chơi chán rồi lại rung đùi trên xe buýt về. Giờ thì đi xe buýt yên tâm rồi.
Xe buýt hai tầng trên đường phố Hà Nội
Những năm xa xưa, xe buýt hai tầng chỉ thấy trên sách báo và vô tuyến. Lần đầu tiên Hà Nội chứng kiến xe buýt hai tầng cũng đã ba mươi năm, hồi đó, một nhóm bốn người nước ngoài đi du lịch vòng quanh thế giới trên một chiếc xe buýt hai tầng tự lái. Và họ đến Việt Nam, chạy trong thành phố. Chỉ thế thôi mà báo chí cũng đăng bài, người dân cũng khoe nhau tớ được thấy xe buýt hai tầng.
Rồi cũng đến ngày, xe buýt hai tầng chạy trên đường phố Hà Nội. Ban đầu thì cũng vắng tanh nhưng giờ thì luôn kín chỗ nhất là tầng hai vào giờ cuối chiều lúc Hà Nội lên đèn. Chiều hè lộng gió hay ngày thu mát mẻ, ngồi tầng 2 xe buýt hai tầng chạy qua phố cổ mới thấy Hà Nội từ trên cao rất đẹp. Sống trong thành phố mà mấy khi ta ngước lên ngắm nhìn những ban công xưa cũ, thấy Tháp Rùa vừa gần lại vừa xa. Cảm giác đó chỉ có thể trải nghiệm được ở khoang mui trần trên xe buýt hai tầng.
Nhiều người Hà Nội vẫn chọn ngày đẹp để thong dong mặc đẹp lên xe buýt hai tầng ngắm phố và chụp vài bức ảnh. Người nơi xa đến Hà Nội cũng muốn được trải nghiệm thú vị này, vừa ngắm phố lại có ảnh đẹp lạ đăng Facebook thì còn gì bằng. Chả thế, cô bạn lấy chồng nước ngoài về thăm Việt Nam đưa cả chồng cả con về gặp hội bạn cũ, cả bọn rủ nhau lên xe buýt hai tầng đi ngắm phố và nói chuyện, chụp ảnh, vui cứ như Tết. Mà đúng là đông vui nhất là mấy ngày Tết, đường phố vắng, quần áo đẹp, ai cũng tươi vui lời chúc câu chào, Iphone cứ hết quay lại chụp. Xe buýt đang và sẽ còn mãi với Hà Nội phố!