Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bản tỉnh Bắc Ninh.
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết: 8 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế phải đối mặt với khó khăn, thách thức, do những vấn đề trong năm 2022 chưa xử lý được như là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thế giới tiếp tục đối mặt với sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước. Mặc dù lạm phát đã qua đỉnh điểm nhưng các mức lãi suất của các nước vẫn ở mức cao và các NHTW trên thế giới tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, vì vậy mặt bằng lãi suất trên thế giới ở mức tương đối cao. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn nên tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chú trọng vào 03 động lực để tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Liên quan đến đầu tư thì lĩnh vực tín dụng ngân hàng là một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18% nhưng 8 tháng đầu năm nay mới tăng 5,56%. Tiếp cận tín dụng bị hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, cần được phân tích cụ thể, theo Phó Thống đốc.
Theo Phó Thống đốc, chúng ta đang bước vào tháng cuối cùng của quý III/2023 và chuẩn bị cho thời điểm 3 tháng cuối cùng của năm 2023. Đây cùng là thời điểm nhu cầu vốn tín dụng tăng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm. Chính vì vậy, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với mục tiêu nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng, từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Tham gia trao đổi tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH ĐT XD và TM Phương Thảo Phát cho biết, các doanh nghiệp đang rất cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, nguồn vốn tín dụng ưu đãi... của các hệ thống ngân hàng giành cho các doanh nghiệp.
Theo đại diện này, tài sản thế chấp, lãi suất vay vốn và thủ tục vay vốn vẫn là rào cản lớn trong quá trình tiếp cận tín dụng giữa doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng cho vay tín dụng. Các ngân hàng thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến thiếu cơ sở cho các tổ chức tín dụng đánh giá, thẩm định trình hồ sơ vay vốn lên các cấp Trung ương.
Chia sẻ cụ thể về những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH ĐT XD và TM Phương Thảo Phát cho hay, việc đánh giá yếu tố liên quan đến hồ sơ vay tiền như lịch sử tín dụng, hệ số nợ và khả năng bảo đảm của ngân hàng hiện nay quá chi tiết. Cùng với đó, theo thông tư 39/2016/TT-NHNN, các chính sách và quy định của Ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp khi vay vốn phải cung cấp báo cáo thuế hoặc báo cáo kiểm toán trong khi các DNNVV thường không đáp ứng kịp thời yêu cầu này.
Từ đó, đại diện doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng xây dựng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường. "Khi họ không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, thì vẫn cần có cửa khác để cho họ huy động được vốn", đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị, ngân hàng giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện tại; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp khó khăn.
"Mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng khỏe, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng khó khăn. Tinh thần đồng hành và chia sẻ là rất quan trọng. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ trả nợ đi đôi với vấn đề dòng vốn tín dụng tiếp sức cũng phải đảm bảo nhanh và kịp thời cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời", đại diện Công ty TNHH ĐT XD và TM Phương Thảo Phát nói.
Về phía NHNN, doanh nghiệp mong mỏi cơ quan này ban hành nghị định hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp theo từng thời điểm ngắn hạn bám sát tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp.
Tổng hạn mức vay 251 tỷ đồng, hiện dư nợ của Công ty TNHH Vina CNS là 213 tỷ đồng. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, dòng tiền là vấn đề khó khăn khi tiêu dùng giảm sút, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ gián đoạn, và chi phí logistic quá cao,... Tuy nhiên, nhờ hỗ trợ của ngân hàng, trong đó giảm trung bình giảm 1,8% lãi suất các khoản vay và từ giảm tiếp 0,5% kể từ 1/9, doanh nghiệp yên tâm sản xuất và giữ được ổn định.
Liên quan đến thủ tục thế chấp máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, đại diện Công ty TNHH Vina CNS kiến nghị ngân hàng chấp nhận hợp đồng, tờ khai scan, thay vì yêu cầu hồ sơ gốc như hiện nay.
Ngoài đề xuất tiếp tục giảm lãi suất, đại diện Hợp tác xã và các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng kiến nghị ngân hàng linh hoạt hơn đối với tài sản thế chấp thay vì chỉ tập trung vào bất động sản như hiện nay.
Thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân và hấp thụ vốn của nền kinh tế, tuy nhiên trong quá trình triển khai, BIDV vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, do hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục gặp khó khăn, dẫn đến không đảm bảo thực hiện chính sách tín dụng. Hai là, do tình hình khó khăn chung, nhiều khách hàng không thực hiện mở rộng sản xuất kinh doanh, không phát sinh nhu cầu vốn.
"Nhiều doanh nghiệp khó khăn kéo dài, lợi nhuận âm và ảnh hưởng tới xếp hạng tín dụng. Ngân hàng nắm bắt và rà soát lại để xem có hiệu chỉnh xếp hạng doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp không nhưng mấu chốt cuối cùng vẫn là sức khỏe của doanh nghiệp. Ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng cũng áp lực cho ngân hàng nếu hạ chuẩn cho vay, gây ảnh hưởng sức khỏe của ngân hàng và ảnh hưởng tới nền kinh tế. Do đó, điều ngân hàng có thể làm tốt nhất lúc này là đưa ra các chương trình tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp với chi phí thấp nhất", bà Giao nhấn mạnh.
Dẫn số liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng chi nhánh Bắc Ninh đạt 450 tỷ đồng (dư nợ tăng trưởng mới), song đại diện ngân hàng LPBank chi nhánh Bắc Ninh cho biết, tín dụng từ đầu năm đến nay của chi nhánh vẫn âm khoảng 120 tỷ đồng. Theo vị đại diện LPBank, lãi suất không phải là lý do khiến cho kết quả tăng trưởng tín dụng của LPBank chi nhánh Bắc Ninh sụt giảm, vấn đề ở đây là hấp thụ vốn của nền kinh tế.
"Lãi suất đã giảm mạnh và không thể giảm được nữa, giảm nữa là ngân hàng lỗ. Chúng tôi huy động 5 cũng không thể cho vay 5 mà phải cho vay 7, cho vay 7,5 bởi còn rất nhiều chi phí khác. Doanh nghiệp và ngân hàng phải cùng đồng hành và chia sẻ, ngân hàng bớt lãi đi, doanh nghiệp cũng vậy", vị này nói.
Vị này cũng thừa nhận, ngân hàng đang rất khó khăn như LPBank đang thừa vốn. Ngân hàng bằng mọi cách đẩy vốn ra nền kinh tế, họp giao ban từng tuần, lên kế hoạch cho vay từng ngành nhưng vẫn rất khó khăn.
Phát biểu kết luận, ông Phạm Thanh Hà chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn của khách hàng theo hướng tinh gọn, trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, đồng bộ chứng từ trong hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh việc chuyên môn hóa chức năng, nhiệm vụ các nhóm công việc, các khâu trong quy trình cho vay, áp dụng công nghệ để tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ khách hàng; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
Về lãi suất, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 1,5-2%) đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Công khai các loại phí đối với khách hàng liên quan đến các hoạt động tín dụng, thanh toán và dịch vụ tiền tệ khác.