Dân Việt

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con cách phòng và chữa bệnh cho dê hiệu quả

Bích Ngọc - Vân Anh 29/09/2023 06:29 GMT+7
Trong quá trình chăn nuôi dê không thể tránh khỏi các loại bệnh ở dê gây ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế. Trong số phát sóng hôm nay, hãy cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu cách phòng và chữa bệnh cho dê hiệu quả.

Cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu cách phòng và trị một số bệnh thường gặp ở dê

Dê là một trong những loài gia súc dễ nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, dê lại dễ mắc bệnh, vì vậy người chăn nuôi cần nắm vững các kiến thức về bệnh thường gặp ở dê để điều trị kịp thời, hạn chế hao hụt kinh tế. Trong số phát sóng hôm nay, hãy cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu cách phòng và chữa bệnh cho dê hiệu quả.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con cách phòng và chữa bệnh cho dê hiệu quả

1. Bệnh tiêu chảy

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con cách phòng và chữa bệnh cho dê hiệu quả - Ảnh 1.

Bệnh tiêu chảy ở dê.

Nguyên nhân: Do dê con sức đề kháng còn yếu, dê dễ bị nhiễm các vi khuẩn đường ruột gây tiêu chảy do vú hay sữa mẹ bị nhiễm. Dê con thường mắc bệnh trong 4 - 10 ngày tuổi.

Triệu chứng:

- Phân nhão có màu trắng tới vàng và nhão, sau đó thành dịch lỏng có mùi hôi.

- Do bị mất nước nên dê con ốm, lông xù.

Phòng và trị bệnh:

- Vệ sinh chuồng trại tốt, bú đủ sữa đầu có thể phòng được bệnh này.

- Trước tiên cho dê con uống dung dịch điện giải để tránh mất nước và có thể điều trị bằng kháng sinh như neomycin hay sulfamid như sulfaguanidin.

- Dê lớn có thể do nhiễm độc từ thức ăn hay ký sinh trùng hoặc cả hai. Phải tìm ra nguyên nhân để điều trị.

2. Bệnh viêm lở miệng truyền nhiễm

Bệnh viêm lở miệng truyền nhiễm lây lan rất nhanh xảy ra trên mọi lứa tuổi, nhưng xảy ra nhiều trên dê theo mẹ và dê sau cai sũa. Bệnh không trầm trọng. Phần trong miệng, môi bị sưng lở loét. Khi nặng có thể xảy ra ở mũi, mặt, tai và bầu vú. Bệnh gây ra do một loại virus hướng thường bì gây ra. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con cách phòng và chữa bệnh cho dê hiệu quả - Ảnh 2.

Bệnh viêm lở truyền nhiễm ở dê.

Cách ly thú bệnh, sát trùng chuồng trại khu thú bệnh bằng vôi hay formaline. Dùng các dung dịch sát trùng như thuốc tím, nước muối, oxy già… sau đó bôi các thuốc kháng sinh dưới dạng thuốc mỡ hay bột lên vết thương sau khi thấm nước phèn. Nên tiêm thêm sinh tố A và C để tăng sức đề kháng. 

3. Bệnh tụ huyết trùng

Bệnh tụ huyết trùng xảy ra ở mọi lứa tuổi ở dê. Nguyên nhân chính do Pastuerella multocida, nhưng thường kết hợp với một số vi trùng cơ hội như streptococcus, staphylococcus, myco-plasma… lan truyền theo thức ăn, nước uống. Vi trùng Pastuerella thường tiềm sinh trong vùng thanh, khí quản nên khi dê bị stress như thời tiết thay đổi, vận chuyển đường dài, bị ký sinh trùng… bệnh sẽ phát triển. Triệu chứng điển hình là bỏ ăn, sốt cao, chảy nước bọt, nước mũi, khó thở, kết mạc sung huyết, vùng hầu, họng sưng to, tiêu chảy với phân có máu. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Mách bà con cách phòng và chữa bệnh cho dê hiệu quả - Ảnh 3.

Bệnh tụ huyết trùng ở dê.

Thể cấp tính làm dê chết rất nhanh. Do đó, phải tiêm phòng đầy đủ cho đàn dê. Nếu phát hiện kịp có thể điều trị bằng kháng sinh liều cao như oxytetracycline hay sulfamide.

Trên đây là một số bệnh thường gặp và cách phòng trị.

Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com