Mới đây, diễn viên Cát Tường có buổi gặp gỡ truyền thông nhằm đưa ra lời xin lỗi chính thức sau khi bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ về việc quảng cáo sữa sai sự thật. Cô chia sẻ: "Nhiều tháng qua, tôi khủng hoảng vì liên tục bị chỉ trích quảng cáo lố, thổi phồng công dụng loại sữa này. Tôi muốn lần duy nhất thừa nhận trách nhiệm về lỗi lầm của bản thân, mong dư luận cho cơ hội sửa sai".
Trong cuộc trò chuyện, Cát Tường thừa nhận cô có lỗi khi nói trong clip rằng "mình lấy uy tín của mình ra đảm bảo chất lượng sản phẩm", tuy vậy cô khẳng định mình không "tiếp tay cho lừa đảo", "không nhận bừa sản phẩm không có giấy phép để quảng cáo".
Bàn về lời xin lỗi của Cát Tường, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, ở đó có những điểm chưa hoàn toàn trung thực: "Cát Tường cho rằng mình "quen nói to và nhiều năng lượng" nên người nghe cảm thấy chói tai. Nhưng thực ra, đây là một câu nói đánh lạc hướng dư luận. Việc cô ấy nói to hoặc nói nhỏ không gây hại bằng việc nghệ sĩ này dùng những từ ngữ trên trời trong các quảng cáo về sản phẩm.
Trên thực tế, đó là những từ ngữ mà chúng ta và cả chính bản thân Cát Tường biết thừa rằng chúng không bao giờ đúng. Thế nhưng, ông bà, cha mẹ của chúng ta ở nhà nói riêng, những người cao tuổi hoặc những nhẹ dạ cả tin có học vấn không cao nói chung thì sẽ tin răm rắp. Nói cách khác, dù vô tình hay cố ý, Cát Tường đã làm ra những clip có khả năng lừa dối một nhóm người mà khả năng phản biện hay thẩm định thông tin gần như không có".
Ông Nguyễn Ngọc Long cũng đặt ra câu hỏi về những thiệt hại về phía khán giả trong thời gian qua: "8 tháng vừa rồi, có bao nhiêu triệu người bị xem trúng phải những clip quảng cáo sai sự thật? Bao nhiêu người trong đó bị những lời ma mị của Cát Tường biến thành nạn nhân? Đó là chưa kể những tranh cãi mâu thuẫn, khủng hoảng trong gia đình giữa bố mẹ và con cái khi chia phe tranh cãi".
Chia sẻ với Dân Việt về vấn đề này, ông Ngô Hương Giang, chuyên gia văn hoá nhận định: "Dù rằng đã có lý giải, hành vi quảng cáo sữa sai sự thật của nghệ sĩ Cát Tường không những có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà còn vi phạm cả đạo đức của nghệ sĩ đối với công chúng. Chúng ta cứ thử hình dung, nếu không có sự phát hiện của báo chí truyền thông, không có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng thì liệu nghệ sỹ này có công khai xin lỗi không?
Đó là còn chưa bàn đến việc nghệ sĩ này có đầy đủ nhận thức rằng "sữa" không phải và không thể là "thuốc" để trị bệnh, song vẫn tiếp tay cho cái sai tồn tại. Nếu là lỗi vô tình do không nhận thức đầy đủ về hậu quả và do hám lợi mà quảng cáo sai sự thật thì hành vi đó cũng vẫn là hành vi vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của người nghệ sĩ".
Những năm vừa qua, cùng với sự phát triển của các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, TikTok, các nghệ sĩ Việt có nhiều cơ hội gia tăng thu nhập thông qua quảng cáo. Với mỗi chia sẻ trên trang cá nhân hoặc quay clip đánh giá sản phẩm cho nhãn hàng, người nổi tiếng có thể nhận từ vài chục tới vài trăm triệu đồng, tùy vào sức ảnh hưởng của họ với công chúng.
Do kiếm tiền quá dễ dàng, không ít nghệ sĩ nhận quảng cáo ồ ạt. Dễ thấy, rất nhiều diễn viên nghệ sĩ nổi tiếng, chứ không chỉ riêng Cát Tường xuất hiện trên các video về thực phẩm chức năng, thuốc tăng cân, giảm cân, thậm chí các sản phẩm mang yếu tố tâm linh, phong thuỷ khó kiểm soát. Không chỉ nêu tên sản phẩm, họ còn đưa ra lời giới thiệu hấp dẫn: "Các bạn dùng thử đi, tôi đã dùng và rất hiệu quả"; "Chỉ vài tháng thỉnh món đồ này về cuộc sống của mình đã may mắn hơn hẳn, tiền ồ ạt kéo tới"... Bên dưới những bài viết này là hàng loạt bình luận "mồi", có tính dẫn dắt công chúng, nhằm mục đích cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm.
Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng: "Thường những sản phẩm kém chất lượng hoặc có yếu tố mê tín dị đoan ít được cơ quan chức năng đo lường, kiểm định cấp phép mới quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội mà không phải qua các kênh truyền thông chính thống. Lợi dụng kẽ hở khi mà các biện pháp ngăn chặn, cũng như chế tài xử phạt trên các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam chưa được hoàn thiện về mặt pháp lý, nhiều đơn vị doanh nghiệp đã thuê những nghệ sĩ đã quen thuộc với khán giả dưới hình thức "quảng cáo", bản chất là "bán hàng thuê" cho họ. Đa phần những người mua các sản phẩm trên thường là người hâm mộ hoặc từng biết đến tên tuổi của những nghệ sĩ được thuê bán hàng, được thuê quảng cáo. Kinh doanh trên niềm tin yêu của công chúng là điều không thể chấp nhận được đối với bất cứ nghệ sĩ nào".
Việc livestream bán hàng của nghệ sĩ Việt cũng ngày càng nở rộ trên Facebook và TikTok, tạo ra không ít hệ lụy. Bằng khả năng lan tỏa của mình, không ít nghệ sĩ nhập đủ loại hàng hóa, từ mỹ phẩm, quần áo tới thực phẩm chức năng. Việc kinh doanh tăng thêm thu nhập là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng không ít người trong số họ thổi phồng tác dụng nhằm bán hàng, hoặc bán ra với mức giá cao hơn hẳn thị trường, lạm dụng danh xưng nghệ sĩ mang lại.
"Những buổi livestream này không chỉ bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, mà còn có dấu hiệu "làm giá", "phá giá", tạo nên vấn nạn "bong bóng thị trường online", khiến an ninh tiền tệ quốc gia bị ảnh hưởng. Chúng ta còn nhớ scandal của Hà Linh - người được mệnh danh là "chiến thần triệu đô của Việt Nam" trên TikTok, với mỗi buổi livestream thường thu về cả chục tỷ đồng.
Phía được lợi nhất vẫn là đơn vị thuê Hà Linh bán hàng, nhưng việc Hà Linh "làm giá", "phá giá" để lập kỷ lục bán hàng mà quên đi hàng trăm đơn vị phân phối lẻ đối với sản phẩm ấy phải điêu đứng, thậm chí bị phá sản thì không thể chấp nhận. Người nghệ sĩ hay bất cứ cá nhân nào khi bước chân vào thị trường cạnh tranh này cũng cần phải hiểu, tuân thủ "luật kinh doanh" chung. Phá giá, "làm giá" sẽ khiến cho thị trường bị rối loạn và sau cùng công chúng vẫn là những người bị thiệt hại" - ông Ngô Hương Giang nhận định.
Đương nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng dễ dãi khi nhận quảng cáo. Chia sẻ với Dân Việt, MC Thảo Vân từng cho biết, chị ít nhận quảng cáo dù thường xuyên nhận được những lời mời khác nhau từ các doanh nghiệp. Theo nữ MC, chị không muốn khán giả bị tác động bởi những thông tin từ phía mình, trong khi chị chưa thể kiểm soát được chất lượng của sản phẩm đó.
Làm nghề hơn 30 năm, cố nghệ sĩ Giang Còi chưa từng nhận quảng cáo: "Khi mình quảng cáo cho một doanh nghiệp nào đó, thì mình mang hình ảnh của mình, uy tín của mình, mời gọi tất cả người dân Việt yêu thương mình, mua hàng của họ. Nhưng nếu một ngày không đẹp trời, lộ ra rằng mình đã quảng cáo cho giá sữa tăng gấp 8 lần cho trẻ con nước mình, hoặc quảng cáo sữa có chất melamine, sữa có chất gây ung thư cho trẻ em Việt, hoặc quảng cáo cho rau sạch mà phun đẫm thuốc sâu... thì cái mặt mình nó chui vào đâu? Hơn 30 năm lao động nghệ thuật không mệt mỏi của mình chẳng nhẽ lại đánh đổi mấy đồng đó thôi sao?".
Chuyên gia Ngô Hương Giang cho rằng, đã tới lúc công chúng cần phát huy vai trò người quyết định đến "ván cờ kinh doanh" thành bại của người nổi tiếng. Họ cần có thái độ tẩy chay hoặc "phong sát" đối với hoạt động bán hàng vô lề luật, tự tung tự tác của những người mang danh nghệ sĩ mà coi thường pháp luật, tự mình chà đạp lên đạo đức nghệ sĩ trong mình.
"Để chặn đứng hành vi trục lợi niềm tin trái pháp luật, trái đạo đức như trên, các cơ quan quản lý văn hóa, đặc biệt là các đơn vị nơi quản lý trực tiếp diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, khắt khe đối với hành vi quảng cáo sai sự thật gây nên hậu quả cho xã hội. Việc tuyên truyền nâng cao vai trò của nghệ sĩ với công chúng chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với hoạt động ấy là những chế tài xử phạt xứng tầm. Thậm chí đối với những nghệ sĩ có yếu tố kinh doanh trên "sức khỏe", "tinh thần" của công chúng, chúng ta không những xử phạt hành chính thật nghiêm mà cần thực hiện "phong sát" trên các mặt trận nghệ thuật để họ vĩnh viễn không có cơ hội "nuôi cái ác" trong mình" - ông Ngô Hương Giang kết luận.