Dân Việt

Cho 3 con đặc sản này "chung nhà" trong ao cây ngập mặn ở Bình Định, chả thấy "cãi nhau" mà còn lớn đều

BBT (TTKN Bình Định) 29/09/2023 13:50 GMT+7
Những năm gần đây, mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao nuôi có cây ngập mặn ở tỉnh Bình Định đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định môi trường, giảm thiểu chất thải và dịch bệnh, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định) tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá này tại 2 xã Phước Thuận, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và xã Cát Minh (huyện Phù Cát), với quy mô 10.000 m2/điểm trình diễn.

Tham gia mô hình nuôi ghép cua, tôm, cá, các hộ nuôi được hỗ trợ 50% chi phí về giống, thức ăn, men vi sinh và vật tư thiết yếu. 

Đồng thời, các hộ nuôi phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chí kỹ thuật về ao nuôi; kết hợp chăm sóc và bảo vệ cây ngập mặn, tạo cảnh quan môi trường sinh thái giúp cho các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.

Cho 3 con đặc sản này "chung nhà" trong ao cây ngập mặn ở Bình Định, chả thấy "cãi nhau" mà còn lớn đều - Ảnh 1.

Cá dìa, cua xanh phù hợp nuôi ghép với tôm sú trong cùng ao nuôi có cây ngập mặn ở một số vùng ven biển tỉnh Bình Định. Ảnh: TTKN

Anh Phan Trọng Sinh (thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cho biết: Được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, trên ao nuôi 1 ha, tôi thả 100 nghìn con giống tôm sú, 1.000 con cá dìa giống và 2.000 con cua xanh giống. 

Nghiêm túc tuân thủ và áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn trong suốt quá trình nuôi nên tôm, cua, cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao hơn so với hình thức nuôi chuyên tôm trước đây; môi trường ao nuôi ổn định.

Đặc biệt, tôm sú, cua xanh, cá dìa trong mô hình nuôi ghép ở ao  không xuất hiện dịch bệnh. Sau 5 tháng nuôi, ước tính sản lượng thu hoạch hơn 1.695 kg; trong đó, 1.240 kg tôm sú, 200 kg cua xanh và hơn 255 kg cá dìa. Trừ chi phí đầu tư, gia đình anh Sinh lợi nhuận thu về khoảng 155 triệu đồng.

Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định) cho hay, hộ nuôi có kinh nghiệm trong nghề nuôi thủy sản nên việc triển khai mô hình tương đối thuận lợi, kết quả mang lại rất khả quan. 

Nhờ nuôi ghép nhiều đối tượng trên cùng một diện tích mặt nước, trong cùng một thời vụ đã góp phần tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, cua xanh và cá dìa sử dụng được chất thải và thức ăn thừa của tôm sú. 

Vì vậy, môi trường nước ao nuôi luôn ổn định, không bị ô nhiễm. Ngoài ra, cây ngập mặn phát triển trong ao nuôi phát huy chức năng lọc nước, ổn định môi trường nước, giúp cho tôm, cua, cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phước, (tỉnh Bình Định) cho rằng đây là hướng đi phù hợp cho người dân khu vực xung quanh đầm Thị Nại, vừa giúp người dân có thêm thu nhập vừa bảo vệ môi trường ao nuôi theo hướng bền vững.

Mô hình nuôi ghép tôm sú, cua xanh, cá dìa còn thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn. 

Nhiều hộ dân nuôi thủy sản thí điểm thành công, cho thu nhập ổn định hơn hẳn so với hình thức nuôi chuyên tôm trước đây. 

Vì vậy, chính quyền địa phương các xã cần có định hướng, tổ chức tuyên truyền nông dân tham quan, học tập để từng bước nhân rộng mô hình này tại các vùng nuôi trên địa bàn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.