Ngọc Hân cho biết, Art Trail - Du hành & Mở xưởng là dự án nghệ thuật quan trọng của cô trong năm nay. Qua dự án, người đẹp muốn góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với mọi người, đồng thời giúp cho các nghệ sĩ trẻ có thêm điều kiện phát triển.
Ba họa sĩ tham gia dự án đều mang cá tính riêng. Phan Thị Thanh Nhã là một nhà Thực vật học và Thực vật họa. Cô là một trong số ít những người ở trong khu vực châu Á theo đuổi cả hai lĩnh vực về khoa học và nghệ thuật của thực vật.
Trong khi đó, Phạm Xeen tốt nghiệp chuyên ngành Lụa tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM, sau đó anh bắt đầu lại với chất liệu sơn dầu để đồng cảm với việc chập chững của ba mình sau cơn bạo bệnh.
Nữ họa sĩ Hà My là một trong số ít những họa sĩ trẻ theo đuổi thể loại Trung Quốc họa, không ngần ngại tìm tòi những bút pháp của Đông Phương để gây dựng nên những tác phẩm điêu luyện nhưng vẫn truyền tải được những câu chuyện cá nhân mang tính địa phương.
Ghé thăm trại sáng tác của 3 họa sĩ, Ngọc Hân có nhiều cảm xúc và sự kết nối với họ. Cô chia sẻ: “Trò chuyện với Phan Thị Thanh Nhã, tôi ngỡ ngàng nhận ra bấy lâu nay sự hiểu biết của mình về những giá trị bảo tồn thiên nhiên của Ana Mandara còn chưa đủ.
Thanh Nhã là Thạc sỹ thực vật học (Botanist) và họa sĩ minh họa Thực vật (Botanical artist and illustrator) nên bạn có góc nhìn nghiên cứu rất tỉ mỉ về thảm thực vật của khu resort. Bạn chỉ cho tôi những loài địa y sống biểu sinh dọc trên thân cây. Một số loài địa y có tốc độ phát triển rất chậm, một vài milimet qua từng năm. Nếu không có môi trường trong lành hoặc chỉ cần sử dụng hóa chất trong quá trình chăm sóc, loài này sẽ chết. Vậy mà ở resort, chúng phát triển rất tốt”, Ngọc Hân nói.
Với Phạm Xeen, hoa hậu cảm nhận được tâm hồn giàu cảm xúc ở họa sĩ trẻ này. “Lớp sương mù vào sáng sớm, không khí se lạnh, kiến trúc cổ của các villa 100 tuổi… đã khơi gợi cho Phạm Xeen cảm hứng sáng tạo dào dạt.
Còn với Hà My, đây là một cô gái nhỏ nhưng mang trong mình nội lực phi thường. Ngoài việc sở hữu kỹ thuật vẽ trên lụa rất tỉ mỉ, việc kết hợp với phương pháp cắm hoa Ikebana (Nhật Bản) của Hà My cũng khiến tôi thích thú bởi cách sắp xếp bố cục có chủ đích” – Ngọc Hân chia sẻ.
Mỗi họa sĩ đều được sắp xếp không gian riêng biệt để tự bài trí khu làm việc nhằm tối ưu hóa thời gian thực địa và thực hành. Xưởng sáng tác cũng mở cửa để công chúng và cộng đồng yêu nghệ thuật đến tham quan, trò chuyện, trực tiếp “mục sở thị" quá trình sáng tạo của 3 họa sĩ trẻ.