Theo thông tin của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Vĩnh Long), đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 1.500ha lúa thu đông, năng suất bình quân ước đạt 5,79 tấn/ha, giai đoạn chín và sắp thu hoạch trên 12.300ha.
Còn lại trà lúa chính vụ- muộn đang tập trung giai đoạn làm đòng đến trổ. Bên cạnh các sinh vật gây hại như bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, sâu cuốn lá thì chuột tiếp tục gây hại mạnh, đặc biệt trên những mảnh ruộng gần chân vườn, rẫy, ruộng có gò cao, ven đường, bãi hoang, gần khu dân cư, các ruộng gieo sạ không tập trung.
Theo đó, toàn tỉnh có gần 250ha lúa bị chuột gây hại, chủ yếu trên trà lúa đòng trổ, với tỷ lệ nhiễm 5-10%, phân bố rải rác các xã thuộc huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Long Hồ, Mang Thít.
Trong khi đó, giá lúa gạo hôm nay ngày 30/9 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng với gạo nguyên liệu, trong khi đó giá lúa không có biến động.
Theo đó, giá nhiều loại lúa tăng 100 - 200 đồng/kg. Cụ thể, lúa tươi IR 50404 dao động trong khoảng 7.700 - 7.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Với các chủng loại còn lại, giá duy trì ổn định. Cụ thể, nếp AG (khô) ở mức 9.000 - 9.200 đồng/kg; nếp Long An (khô) còn 9.100 - 9.200 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.600 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm hôm nay quay đầu giảm. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.950 - 12.050 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mức 13.900 - 14.000 đồng/kg.
Trước tình hình chuột gây hại lúa thu đông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo nông dân cần lưu ý, sự xuất hiện và gây hại của chuột ở những cánh đồng có lúa đang trong giai đoạn trổ- chín.
Cần sử dụng các biện pháp diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, mang tính cộng đồng. Ưu tiên sử dụng các loại bẫy cơ học, thuốc diệt chuột sinh học. Chú ý thu gom bẫy bả, xác chuột, để không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột để tránh gây nguy hiểm cho người cũng như các động vật có ích khác.
Theo các chuyên gia bảo vệ thực vật, chuột là đối tượng dịch hại quan trọng trên lúa và là đối tượng rất khó phòng trừ. Vì vậy, để quản lý chuột hại lúa một cách hiệu quả, bà con phải sử dụng biện pháp tổng hợp.
Một là sử dụng biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng trước khi sạ lúa bằng cách dọn sạch cỏ dại xung quanh bờ ruộng, chân vườn. Gieo sạ đồng loạt để cắt đứt nguồn thức ăn của chuột. Nếu có thể, giữ nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa đòng trỗ để hạn chế chuột gây hại hoặc làm tổ ven bờ.
Hai là sử dụng biện pháp vật lý, cơ học: Sử dụng bẫy cơ học như: bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây, bẫy bán nguyệt, bẫy lật, bẫy di động, Nên đặt bẫy trước lúc mặt trời lặn và thu bẫy vào sáng sớm. Bẫy chuột cần được vệ sinh, ngâm nước và phơi khô sau khi sử dụng.
Công tác diệt chuột phải mang tính cộng đồng có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể địa phương để tuyên truyền sâu rộng trong nông dân cùng tham gia bắt chuột. Tùy vào mùa vụ, điều kiện đất đai mà sử dụng các biện pháp diệt chuột cộng đồng khác nhau như: Biện pháp hun khói, bơm nước vào hang, chất trà, bủa lưới khi thu hoạch lúa, hoặc lợi dụng mùa nước nổi chuột tập trung ở nơi gò cao dùng chỉa để bắt chuột,...
Đối với những vùng thường xuyên bị chuột gây hại, thì nên sử dụng hàng rào nylon bao quanh ruộng lúa ở thời điểm trước khi xuống giống để ngăn ngừa chuột gây hại ruộng lúa.
Ba là sử dụng biện pháp sinh học: Bảo tồn thiên địch của chuột có sẵn trong tự nhiên như: chim, rắn, mèo. Trộn thuốc diệt chuột sinh học với mồi thành bả. Bà con có thể luân phiên hoặc kết hợp nhóm thuốc chống đông máu với thuốc có nguồn gốc vi sinh gây tổn thương đường ruột để diệt. Bả chuột nên đặt ở những nơi chuột thường qua lại như: nơi có nhiều dấu chân chuột, đường chạy, cửa hang của chuột.
Khi diệt chuột bà con nông dân cần chú ý: Nhốt gia cầm trước khi đánh bả chuột. Không được dùng dây điện bao quanh ruộng để bẫy chuột vì rất nguy hiểm cho con người. Công tác diệt chuột phải được thực hiện thường xuyên, liên tục thì mới phát huy tính hiệu quả.