Clip: Anh Phạm Huỳnh Quốc Thanh, người duy trì, phát triển nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Năm 2023, anh Phạm Huỳnh Quốc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV nước mắm Kim Hoa (địa chỉ 49/2, đường Nguyễn Huệ, khu phố 11, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) vinh dự là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Gia đình 5 đời làm nước mắm truyền thống Phú Quốc
Anh Phạm Huỳnh Quốc Thanh, chia sẻ: Theo tài liệu gia đình anh lưu giữ, gia đình anh đến đời anh đã trải qua 5 đời làm nghề nước mắm Phú Quốc. Năm 1917 đến đời ông của anh đã làm nước mắm Phú Quốc chất lượng và đem ra Hà Nội đấu xảo (cuộc thi nước mắm ngon). Lúc này việc đánh bắt cá bằng thuyền buồm nên số lượng cá ít, lúc đó muối cũng ít nên chỉ làm nước mắm số lượng ít.
Đến năm 1936, xuất hiện nhóm đầu nậu gom muối, người dân làm nghề nước mắm không có muối để làm nên phản kháng, sau đó muối được chia điều để mỗi người đều có muối để làm nước mắm. Lúc này ông của anh đã làm nước mắm chở bằng thuyền buồm vào Hà Tiên để bán (TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang bây giờ- PV).
Từ năm 1980 mẹ ông tiếp quản nghề làm nước nước mắm của ông nội anh, rồi lấy tên của mẹ là Kim Hoa để làm hiệu nước mắm. Đến năm 1983 từ hãng nước mắm chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân lấy tên là Công ty nước mắm Phú Quốc Kim Hoa. Tuy nhiên quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, cơ sở nằm ở một căn nhà tại chợ. Đến năm 1992 Công ty nước mắm Kim Hoa dời dời về địa chỉ hiện tại mở rộng việc sản xuất kinh doanh.
Được sinh ra và lớn lên ở Đảo Ngọc, gia đình có truyền thống làm nghề nước mắm nên từ nhỏ anh Thanh đã theo mẹ đi mua cá, học làm nghề sản xuất nước mắm. Quyết tâm nối nghiệp truyền thống gia đình một cách bày bản, năm 1994, bằng nỗ lực của mình, anh Thanh đã thi đỗ vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, là một trường hợp hiếm hoi ở huyện đảo Phú Quốc thời bấy giờ.
Năm 1998 anh tốt nghiệp Cử nhân từ trường Kinh tế vào thời điểm đất nước vừa trong giai đoạn hưng thịnh của đổi mới, mở cửa, rất cần nhân tài, anh được nhiều công ty ở Sài Gòn mời chào, săn đón nhưng anh vẫn chọn về quê quản lý phát triển công ty nước mắm truyền thống của gia đình.
Nối nghiệp quyết giữ tinh tuý nước mắm truyền thống
Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh về Phú Quốc tiếp mẹ quản lý công ty gia đình, sau đó năm 2003 anh thay mẹ tiếp quản công ty. Khi tiếp quản công ty nước mắm Kim Hoa anh Thanh đã mở rộng quy mô sản xuất từ hơn 100 thùng (mỗi thùng 12-14 tấn cá), sản lượng khoảng 400 nghìn lít/năm, lên 260 thùng, với sản lượng mỗi năm 1,5 triệu lít/năm.
Anh Thanh chia sẻ, Công ty nước mắm Kim Hoa của anh sản xuất theo quy trình 100% truyền thống. Từ khâu nguyên liệu, gia đình anh cũng có đội tàu ghe trực tiếp ra biển mua cá và muối ủ chượp ngay trên biển nên cá luôn có độ tươi. Sau đó cá được chuyển về đất liền đưa vào quy trình sản xuất.
Quy trình sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc cũng được anh chia sẻ, gồm 4 công đoạn chính, là: Mua cá cơm xong muối ủ chượp theo tỉ lệ chuẩn 1 muối 3 cá; sau khi ủ chượp xong thì ghe đưa cá vô thùng ủ; sau 12-13 tháng ủ trở lên sẽ rút nước mắm ra; đến công đoạn cuối cùng và đóng chai.
Khi nước mắm được rút ra sau từ ít nhất 12 tháng ủ chượp, lúc này nước mắm màu đỏ cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất riêng, vị mặn, vị ngọt, đặc biệt có cả vị béo của đạm cá.
"Phú quốc được thiên nhiên ưu đãi khí hậu quanh năm ôn hoà, không quá nóng hay quá lạnh, nên sau 12 tháng ủ chượp không tác động bất bất cứ gì vào thùng ủ cá. Sau 12 tháng rút nước mắm ra màu đỏ cánh gián đậm tự nhiên. Từ tháng 9 đến tháng 12 nước mắm đã có xit amin tạo mùi nước mắm và hoàn thiện mùi từ 12 tháng trở lên… Từ xưa đến nay cha ông ta đã làm như vậy rồi, mình không thể làm khác được. Chính vì thế dù có những lúc khó khăn về đầu ra nhưng tôi và gia đình vẫn quyết giữ nghề truyền thống"- anh Thanh chia sẻ.
Tìm hướng đi mới cho nước mắm truyền thống Phú Quốc
Anh Quốc Thanh chia sẻ, từ xưa đến nay nước mắm truyền thống Phú Quốc Kim Hoa của gia đình anh sản xuất chủ yếu bán thô cho các đầu nậu từ Hà Nội và TP.HCM, chỉ khoảng 2% sản lượng hàng năm được đóng chai để bán lẻ tại chỗ. Do đó khi thị trường có nhiều thương hiệu nước mắm công nghiệp ra đời đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, chiếm lĩnh trên 65% thị trường nước mắm. Bên cạnh đó từ đại dịch Covid-19 đến nay các đầu nậu thu mua nước mắm thô giảm khoảng 50% sản lượng, nên đầu ra của nước mắm truyền thống Phú Quốc nói chung, nước mắm Phú Quốc Kim Hoa nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, anh Thanh đã cùng các thành viên Hiệp Hội nước mắm Phú Quốc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc tại thị trường trong và ngoài nước.
"Cuộc sống vội vã, con người ăn uống cũng vội vã, qua loa nên chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và dinh dưỡng, sức khoẻ. Sẽ có lúc ngẫm lại mình đang ăn gì và sẽ chọn loại nước mắm truyền thống ngon, vì sức khoẻ để cho gia đình sử dụng. Do đó hy vọng của cá nhân và Hội nước mắm Phú Quốc là nước mắm truyền thống Phú Quốc vẫn còn một ngách đi riêng của mình trên thị trường trong và ngoài nước".
Nói là làm, cuối năm 2022, anh Thanh và các thành viên Hội nước mắm Phú Quốc đã đưa nước mắm đi xúc tiến tại Thái Lan, và nhiều tỉnh, thành lớn trong nước.
"Lúc đưa sản phẩm đi xúc tiến, mình nghĩ thái Lan là xứ nước mắm nổi tiếng, không biết nước mắm mình có được thị trường này chấp nhận hay không? Nhưng thật bất ngờ khi ngày đầu tiên nước mắm Phú Quốc được trưng bày tại một sự tiện tại Thái Lan có rất nhiều người tiêu dùng Thái thích và muốn mua nước mắm Phú Quốc.
Chính vì vậy 4 ngày đầu trưng bày, chúng tôi không dám bán hàng vì sợ hết không còn hàng trưng bày, giới thiệu. Đến ngày cuối cùng mở bán, chỉ trong vòng vài giờ chúng tôi đã bán hết sản phẩm"- Anh Thanh kể lại.
Song song đó, các thành viên khác trong Hội đưa nước mắm Phú Quốc đi các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM, Tây Nguyên và các tỉnh, thành ĐBSCL để quảng bá, giới thiệu và tìm đối tác.
Hiện tại 9 thành viên có nhà thùng sản xuất nước mắm tại Phú Quốc đã cùng anh thành lập HTX với mục tiêu đồng thuận, minh bạch cùng đi chung con đường mới, đưa sản phẩm nước mắm Phú Quốc và đặc sản Phú Quốc đi các tỉnh.
Mục tiêu của HTX là tại mỗi tỉnh, thành trong nước phải có ít nhất có 1 cửa hàng trưng bày sản phẩm nước mắm Phú Quốc và những sản phẩm đặc sản Phú Quốc. Và thị trường nước ngoài tiềm năng mà HTX hướng đến là Campuchia và Trung Quốc.
Để nhiều khách hàng biết đến và sử dụng được nước mắm Phú Quốc Kim Hoa, anh Thanh đã triển khai bán hàng trên các sàn điện giao dịch điện tử, như: shopee, tiki, lazada… Hiện anh cũng đang hoàn chỉnh trang web, kênh facebook, tiktok…
Năm 1997 nước mắm Phú Quốc Kim Hoa được cục sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu nước mắm Kim Hoa.2021 đạt chứng nhận OCOP 4 sao 2 sản phẩm 35 và 40 độ.
Hiện nay anh Thanh đang nghiên cứu cho ra dòng nước mắm 25,30 độ đạm để đi các thị trường nông thôn, Campuchia.