Dân Việt

"Bác sĩ đanh đá nhất làng phụ khoa” được nghỉ làm quản lý

PV 01/10/2023 12:21 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định giao ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ ngày 1/10.

Theo đó, tại quyết định số 3686/QĐ- BYT, Bộ trưởng Bộ Y tế giao ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ ngày 1/10/2023 cho đến khi kiện toàn chức vụ Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương,

Bệnh viện Phụ sản Trung ương có người phụ trách mới - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế giao ông Đinh Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ ngày 1/10/2023. Ảnh BYT

Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Đinh Anh Tuấn bày tỏ cảm ơn đến Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế và các đồng chí lãnh đạo Bộ đã tin tưởng, giao nhiệm vụ cho cá nhân đồng chí kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ sản Trung ương. 

Cũng từ tháng 10/2023, PGS.TS Trần Danh Cường - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ nghỉ hưu theo chế độ. 

Tại Lễ trao Quyết định, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao, ghi nhận những đóng góp của cá nhân PGS Cường trong suốt hơn 30 năm qua cho chuyên ngành sản phụ khoa, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em. 

Thứ trưởng Thuấn mong muốn PGS.TS Trần Danh Cường tiếp tục hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương. 

Bệnh viện Phụ sản Trung ương có người phụ trách mới - Ảnh 2.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế tặng hoa PGS.TS Trần Danh Cường. Ảnh BYT

PGS.TS Trần Danh Cường được nhiều người nói đùa là "bác sĩ đanh đá nhất trong làng sản khoa", nhưng mọi người đều tìm bằng được ông để siêu âm chẩn đoán hình ảnh thai nhi.

Hơn 30 năm gắn bó với ngành sản khoa, PGS.TS Trần Danh Cường không nhớ ông đã đỡ đẻ, mổ đẻ cho bao nhiêu sản phụ. Hàng nghìn đứa trẻchào đời trên đôi tay của ông. 

Từng chia sẻ, trò chuyện với Dân Việt, PGS TRần Danh Cường đã tâm sự: "Thực ra, nếu người ta có gọi tôi là bác sĩ hàng đầu, người nổi tiếng, bàn tay vàng, bàn tay bạc, tôi cho rằng cũng chỉ là những ngôn từ văn học thôi. 

Tôi rất cảm ơn mọi người, nhưng nói thật tôi không thích khi đánh giá như thế. Nó chưa đúng với thực chất và chưa đúng với tính cách của tôi. Bản chất đây chỉ là công việc, cũng chính là đam mê của tôi.

Trong nghề bác sĩ, tôi có 2 cái đam mê. Thứ nhất là đam mê với sản bệnh. Tức là người phụ nữ có thai mà bị bệnh hoặc bệnh của người mẹ xuất hiện trong thai kỳ, hay bệnh lý của em bé thì gọi là sản bệnh. 

Các cụ nói “chửa là cửa mả”. Sản phụ mà bệnh cửa mả càng gần, do vậy người thầy thuốc càng phải tận tụy chăm sóc người bệnh. Nếu anh xử lý sai, ngoài việc người mẹ mất mạng còn sẽ tạo ra một em bé "lỗi" và sẽ trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội sau này. 

Bệnh viện Phụ sản Trung ương có người phụ trách mới - Ảnh 3.

PGS Trần Danh Cường trao em bé cho người cha. Ảnh BVCC

Chính cái áp lực đấy đã làm nhiều người nhụt chí, ngại không muốn theo nghề (vì sợ trách nhiệm - PV). Nhưng tôi vẫn trụ vững. Vì say mê, tôi chấp nhận tất cả. Có lẽ vì thế nên nhiều người đã dành cho tôi những ngôn từ hoa mỹ như anh đã nói ở trên chăng?

Cái đam mê thứ hai của tôi là chẩn đoán trước sinh, siêu âm chẩn đoán. Với đam mê này, tôi làm việc không kể thời gian trong giờ, ngoài giờ, làm bất kể lúc nào nếu người bệnh có yêu cầu. 

Chẩn đoán sớm nhất, chính xác nhất để tiên lượng được tốt nhất những dị tật (nếu có) của em bé. Vì công việc này, tôi đã từ bỏ những thói quen như tụ tập bạn bè, uống cà phê hay là chơi thể thao đấy". 

Theo PGS Cường, phần thưởng mà ông thích nhất là được bệnh nhân đánh giá mình có tình thương, có y đức làm việc. 

"Đừng vội phán bác sĩ vô cảm, khám chữa bệnh vì tiền, nói thế đau lòng lắm và không đánh giá hết sự hi sinh của người bác sĩ. Không có tình thương người bệnh, không theo được nghề y này đâu.

Nghề của tôi còn phải thương cả em bé nữa. Các anh có con cái, đều hiểu tình thương với trẻ phải tăng gấp đôi lên. Nếu không chăm sóc, không chẩn đoán với 200% sự tập trung để có các giải pháp hợp lý, biết đâu sẽ để lại tai họa cho gia đình, cũng như cho đất nước sau này.

Còn cái nữa là ngoài tình thương cũng phải có trình độ chuyên môn. Muốn vậy phải học, đào tạo, không có chuyên môn bác sĩ ngồi ôm chân ngắm bệnh nhân chỉ có hỏng… Tình thương cộng với trình độ chuyên môn mới giúp chúng tôi hành nghề tốt được", PGS Cường chia sẻ.