Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và PTNT diện tích sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon trong năm 2024 trên địa bàn hơn 51.900 ha.
Ngoài ra, Đồng Tháp cũng đăng ký diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn đến năm 2025 là 70.000 ha và đến năm 2030 là 163.000 ha.
Với việc áp dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác nhằm giảm chi phí đầu vào, sử dụng nước hiệu quả, Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL hướng đến mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái, nâng tầm thương hiệu và giá trị hạt gạo của Việt Nam. Đây cũng được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới.
Theo đó, các gói kỹ thuật được đưa ra nhằm thúc đẩy quản lý nước thông qua hình thức tưới khô ướt luân phiên và áp dụng tối ưu các nguyên liệu đầu vào sản xuất lúa thông qua kỹ thuật 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống được chứng nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch).
Bên cạnh đó, nông dân được khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, như sử dụng internet vạn vật (IoT) có cảm biến nước để giúp nông dân quyết định tốt hơn về lượng nước tối ưu cần sử dụng. Với cách này, lượng nước sử dụng sẽ giảm rất nhiều so với việc làm ngập ruộng lúa thủ công.
Thực hiện đề án, Việt Nam còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Khi đạt được chứng chỉ carbon thì thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, giá bán sẽ cao, nâng được tầm thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Các chuyên gia lý giải, mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân sẽ có một lượng hạn ngạch phát thải khí carbon nhất định. Nếu không sử dụng hết hạn ngạch được cấp phép có thể bán lại cho quốc gia, tổ chức có lượng phát thải vượt quá hạn ngạch được phép.
Do vậy, nếu nông dân áp dụng sản xuất giảm phát khí thải nhà kính thấp, không sử dụng hết hạn ngạch thì có thể bán cho các quốc gia, tổ chức khác thu về tài chính.
Ngân hàng Thế giới ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, qua làm việc với Ngân hàng Thế giới về việc chi trả tín chỉ carbon, có khả năng trong năm 2024 có thể chi trả được tín chỉ này cho các diện tích lúa thực hiện VnSAT đảm bảo sản xuất giảm phát thải khí nhà kính (1 phải 5 giảm hoặc 3 giảm 3 tăng + rút nước giữa vụ).
Mới đây, tại hội thảo về thị trường carbon ngành nông nghiệp do các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đồng tổ chức tại TP Cần Thơ, TS Katherine Nelson, nhà khoa học về biến đổi khí hậu và chuyên gia về thị trường carbon thuộc IRRI Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết giảm phát thải khí mê tan toàn cầu, đặt mục tiêu giảm 30% tổng lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030. Trong đó, phần lớn khí mê tan phát thải từ nông nghiệp, cụ thể là sản xuất lúa gạo.