Tại Ấn Độ, nơi được biết đến là một trong những cái nôi lâu đời của nền văn minh nhân loại cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn, thu hút hàng triệu người tìm hiểu và khám phá. Ít ai biết rằng các vương triều ở Ấn Độ dù mất đi quyền lực khi đất nước giành độc lập năm 1947 nhưng các maharaja (vua) ngày nay vẫn rất giàu có và đầy ảnh hưởng.
Trong số đó, không thể không nhắc đến Wadiyar, gia đình hoàng gia duy nhất ở Ấn Độ đã cai trị hợp pháp một đế chế kéo dài 5 thế kỷ. Hiện tại, các thành viên của triều đại Wadiyar vẫn có cuộc sống vương giả tại cung điện nguy nga ở Mysore. Đặc biệt, gia tộc này còn nổi tiếng với lời nguyền đeo bám họ hơn 400 năm qua với nỗi ám ảnh không có con nối dõi.
Theo đó vào năm 1612, vùng đất Mysore dưới triều đại của Đế chế Vijayanagara đã được cai trị bởi vua Tirumalaraja. Tuy nhiên, nhà vua sau đó không may mắc một căn bệnh hiểm nghèo khiến sức khỏe của ông bị suy kiệt. Lợi dụng cơ hội đó, một thế lực đã lên kế hoạch giết nhà vua để phế truất ngôi vị.
Thế lực đó chính là gia tộc Wadiyar. Sau khi tiếp quản Vương quốc Mysore, các thành viên của Wadiyar đã giết người thừa kế của vua Tirumalaraja và giam giữ các thành viên còn lại cùng những cận thần khác. Cho đến một ngày, lợi dụng thời điểm lính canh đổi gác, Alamelamma, vợ của cựu vương Tirumalaraja đã quyết định bỏ trốn và mang theo tất cả các đồ trang sức quý giá của hoàng gia cũng như giấy tờ quan trọng.
Sau khi phát hiện cựu Hoàng hậu trốn thoát, tân vương của triều đại Wadiyar đã phái binh lính đuổi theo, tịch thu tất cả tài sản mà người phụ nữ này mang đi. Sợ mình sẽ bị sát hại và những vật báu hoàng gia bị kẻ thù cướp lấy, Alamelamma đã tự sát bằng cách nhảy xuống sông Cauvery cùng tất cả mọi thứ bà mang bên mình.
Những người chứng kiến sự việc sau đó kể lại rằng, trước khi nhảy xuống sống tự vẫn, Alamelamma đã đưa ra một lời nguyền đó là triều đại Wadiyar ở Mysore sẽ mãi mãi không có hậu duệ nối dõi. Và trên thực tế, lời nguyền này đã ứng nghiệm một cách kỳ lạ, trở thành nỗi ám ảnh của cả một gia tộc hơn 400 năm qua.
Kể từ đó, các đời vua đều không có con trai nối dõi, họ đành nhận nuôi những đứa trẻ khác trong đại gia đình để làm người nối ngôi sau này. Vào tháng 12/2013, nhà vua Srikantadatta Narasimharaja Wadiyar, 60 tuổi đã qua đời mà không có con trai thờ tự. Cuối cùng, Yaduveer Krishnadatta, cháu trai của quốc vương quá cố trở thành vị vua thứ 27 của triều đại Wadiyar tại miền nam Ấn Độ.
Vào năm 2016, Vua trên danh nghĩa của triều đại Wadiyar đã kết hôn với công chúa một vương triều khác tại cung điện hoàng gia. Đó là công chúa Trishika Kumari, con gái vua Dungarpur ở bang miền bắc Rajasthan.
Hôn lễ xa hoa của cặp đôi kéo dài 3 ngày trong sự chúc phúc của người dân. Họ là đôi bạn thanh mai trúc mã và được đánh giá là xứng đôi vừa lứa. Khoảng 1.000 khách mời đã dự lễ cưới hoàng gia và hơn 2.500 người được mời tới dự tiệc chiêu đãi tổ chức vào buổi tối.
Vào tháng 12/2017, cặp đôi hoàng gia đã vỡ òa trong hạnh phúc khi họ đón bé trai đầu lòng. Sự ra đời của cậu bé được coi như là một dấu mốc quan trọng chấm dứt lời nguyền đeo bám triều đại Wodeyar. Lần đầu tiên, một nhà vua trị vì có con trai ruột nối dõi.
Hoàng tử nhỏ hiện đã hơn 2 tuổi, điển trai và chững chạc khiến mọi người vô cùng phấn khởi. Đặc biệt, Hoàng hậu Trishika Kumari được coi là "vị cứu tinh" của gia đình chồng khi cô sinh được một bé trai kháu khỉnh. Trishika Kumari rất được lòng người dân khi cô không chỉ sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp mà Hoàng hậu trẻ tuổi này còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, được dân chúng tin yêu.
Có thể thấy rằng, dù có cuộc sống vương giả, dư thừa nhưng không phải gia tộc nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Không một ai dám chắc lời nguyền 400 năm ấy thực sự có tồn tại hay không hay đó chỉ là những lời đồn thổi truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, câu chuyện về triều đại Wodeyars không thể có người nối dõi đã trở thành một trong những điều bí ẩn, hấp dẫn nhất thế giới.