Năm 2023, ông Lê Văn Sấm là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Chung khảo bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".
Thoát trắng tay, bể nợ nhờ "xoay" đúng lúc
Về xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), người dân ở đây không ai không biết ông Ba Sấm, chủ trại tôm lớn nhất vùng ven biển nơi đây.
Ba Sấm là tên thân thuộc của ông Lê Văn Sấm sinh năm 1958 ở ấp Thạnh Thới B. Ông được xem là người đầu tiên mở màn phong trào nuôi tôm biển, nuôi tôm công nghệ cao, từ con tôm sú đến tôm thẻ chân trắng.
Ông Ba Sấm nhớ lại, nghề nuôi tôm ở xã Thạnh Hải bắt đầu nở rộ từ năm 2000, nhưng thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên chưa đạt hiệu quả cao. Năm 2006, khi vừa nghỉ hưu, ông bắt đầu nuôi tôm theo cách truyền thống. Thời gian đầu, ông liên tục trúng vụ và trở nên có tiếng tăm trong huyện về nuôi tôm.
Thời điểm này, người dân các xã biển còn mãi loay hoay, đời sống kinh tế rất khó khăn, thậm chí có người bỏ quê lên phố để làm thuê. Ông tư vấn cho bà con trong xã và vùng lân cận cùng đào ao nuôi tôm.
Sau nhiều vụ trúng giá và sản lượng tốt, bà con quê ông đổi đời. Phong trào nuôi tôm biển từ đây được nhanh chóng phát triển ở các xã biển của huyện Thạnh Phú.
Thành công và đi đầu trong phong trào nuôi tôm biển thâm canh, nhưng ông Ba Sấm cũng gặp thất bại nặng nề. Đó là những năm 2012 – 2015, khi việc xử lý ao nuôi, nước thải chưa được chú trọng, gây ô nhiễm môi trường nuôi.
Hầu hết người nuôi tôm trong tỉnh đều thất vụ, rơi vào tình trạng thua lỗ, nhiều người phải bỏ ao, nợ nần. Ông Sấm cũng không tránh khỏi.
Thời gian này, ông rơi vào tuyệt vọng, không biết cách nào để duy trì nghề nuôi tôm. Thậm chí, đôi lúc chán nản ông muốn bỏ nghề.
"Khoảng thời gian này đối với tôi khó khăn lắm, loay hoay tìm mãi không thấy đường ra. Nhưng trời không tuyệt đường sống của ai.
Cơ duyên được một số anh em của Công ty CP Việt Nam giới thiệu tham quan các mô hình nuôi mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Nai… Ưu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống.
Thấy người ta đầu tư có hiệu quả nhưng vốn cao quá, nên tôi chỉ dám thử nghiệm xây 1 ao 1.000m2, hơn 200 triệu đồng. Kết quả thu hoạch vụ đầu tiên khá bất ngờ, tôi thật sự trúng đậm với 8 tấn tôm, thu về hơn 800 triệu đồng. Vậy là vừa thu đủ vốn lại vừa có lãi cao", ông Ba Sấm tâm sự.
Sau đó, ông mạnh dạn phát triển 25 ao tương tự, năng suất cao nhất là 9,2 tấn/ao, lãi gần đạt 1 tỷ đồng/ao. Ông phấn khởi và tiếp tục mở rộng diện tích các khu nuôi, cũng như tính chất, quy mô của từng khu. Đến năm 2015, ông bắt đầu chuyển sang mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao.
Tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao vùng nông thôn mới
Theo ông Ba Sấm, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn. Hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao cũng phải được đầu tư bài bản.
Ông Sấm cho biết: "Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao là xây dựng khu nuôi, gồm: Ao nuôi tôm post (tôm ương), ao nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 3; ao lắng… Mỗi ha có thể đầu tư 3 ao nuôi, 1 ao ương giống, chi phí 1,5 - 2,5 tỷ đồng. So với mô hình truyền thống, chi phí nuôi công nghệ cao sẽ cao hơn rất nhiều lần, nhưng hiệu quả mang lại cao hơn, thu lãi về ngay từ vụ đầu tiên và "ăn bền hơn".
Nếu áp dụng theo cách nuôi truyền thống, con tôm thẻ chân trắng khó đạt kích cỡ lớn, cao nhất chỉ đạt khoảng 50-60 con/kg, do đó giá tôm sẽ không cao. Ngoài ra, sản lượng tôm dễ bị hao hụt, do ảnh hưởng dịch bệnh từ ao nuôi.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao, ông Sấm bố trí các ao nuôi xoay chuyền, mỗi tháng đều có ao thu hoạch và thả mới, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, năng suất tôm tăng nhiều lần, điều này bù lỗ được thua lỗ nếu tôm rớt giá.
Đặc biệt, quá trình nuôi cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh. Hiện nay ông Ba Sấm vừa xuống giống tôm nuôi 3 giai đoạn.
Ông cho biết: "Người nuôi phải đầu tư hệ thống ống dẫn khí, điện và các ao lắng. Đáy ao lót bạt, thay nước thường xuyên, tạo môi trường nước trong sạch cho tôm phát triển. Nguồn nước trước khi đưa vào ao hoặc thải ra đều phải qua xử lý. Đồng thời, tách ao theo các giai đoạn.
Giai đoạn 1 là tôm post; giai đoạn 2 là sau 24 ngày, chuyển qua các ao nuôi; giai đoạn 3 là khi tôm đạt size dưới 100 con/kg, sẽ tiếp tục chia nhỏ ra các ao thương phẩm".
Năm 2023, giá tôm rớt thấp, có thể nói chạm đáy. Vì thế, ông phải linh hoạt thay đổi cách nuôi. Đó là giữ ao nuôi mật độ dày hơn, để vừa tăng sản lượng, vừa giữ size tôm ở mức giá bán hợp lý để có lợi nhuận tốt nhất. Nhờ vậy, dù giá tôm trên thị trường thấp hơn mọi năm, lợi nhuận trên mỗi kg tôm giảm nhưng ông vẫn có lợi nhuận trên từng ao nuôi khá tốt.
Chính sự ham học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm, nông dân Lê Văn Sấm đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Với diện tích nuôi trên 50 ha, sản lượng trung bình đạt từ 17-22 tấn/ha, mỗi năm lượng tôm thịt ông Sấm bán ra thị trường trên 1.000 tấn. Trừ các chi phí đầu tư, ông thu lợi nhuận trên 50 tỷ đồng.
Ông Ba Sấm trở thành một trong những nông dân tỷ phú có diện tích nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất huyện Thạnh Phú nói riêng và cả ba huyện biển trong tỉnh Bến Tre nói chung.
Hiện tại, nông dân Lê Văn Sấm đang giải quyết việc làm cho trên 110 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động/năm. Với hiệu quả cao trong viêc nuôi tôm công nghệ cao, nông dân Ba Sấm được vinh dự là Nông dân xuất sắc kinh doanh giỏi toàn quốc 2023.
Dù thu lợi nhuận cao nhưng vì đầu tư lớn, ông Ba Sấm mong muốn có sự hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư chi phí ban đầu, vì chi phí đầu tư nuôi tôm công nghệ cao đên đến khoảng 1 tỷ đồng/ha. Ngoài ra, cần có giao thông thuận lợi và nguồn điện đầy đủ, người dân nuôi tôm quê ông sẽ chuyển đổi sang nuôi theo công nghệ mới này, từ đó nghề nuôi tôm sẽ bền vững hơn.
Ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thạnh Phú - Bến Tre, chia sẻ ông Sấm là một trong những người đầu tiên phát triển mô hình nuôi tôm biển trên địa bàn trước đây.
Năm 2016, 2017, ông cũng là một trong những người khởi đầu thành công với mô hình nuôi tôm biển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tạo bước ngoặt mới cho phát triển kinh tế biển trên địa bàn xã nói riêng và huyện biển nói chung.
"Những người tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như ông Ba Sấm sẽ tạo điều kiện để các nông dân khác làm theo, từ đó tạo nên vùng sản xuất nuôi tôm có chất lượng cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu", ông Trương Thanh Hải khẳng định.