Dân Việt

Chuyển đổi số ở làng nghề đan đát An Nhơn Tây

Trần Đáng 02/10/2023 06:00 GMT+7
Nhằm bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển ngành nghề đan đát ở xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM), xã An Nhơn Tây đã thành lập Tổ hợp tác đan đát tại ấp Gót Chàng với 7 thành viên ban đầu.
Chuyển đổi số ở làng nghề đan đát An Nhơn Tây - Ảnh 1.

Ra mắt Tổ hợp tác đan đát tại ấp Gót Chàng với hy vọng vực dậy làng nghề đan đát An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: T.Đ

Nghề đan đát thủ công là ngành nghề truyền thống trên quê hương Củ Chi, trong đó có xã An Nhơn Tây. Những vật dụng, như: rổ, rế, nia, sàn… đã gắn liền với sản xuất nông nghiệp, cũng như đời sống hàng ngày của người nông dân lâu nay.

Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại khiến ngành nghề đan đát truyền thống ở Củ Chi đang bị mai một. Người dân dần sử dụng các vật dụng bằng nhựa, nhôm thay thế các mặt hàng đan đát truyền thống.

Ngoài việc thị trường bị thu hẹp, các hình thức truyền nghề cho thế hệ con cháu chưa được chú trọng nên nghề đan lát thủ công ở Củ Chi hiện nay có nguy cơ mất dần.

Chính vì muốn bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển ngành nghề ở nông thôn, vừa qua xã An Nhơn Tây đã tập họp những hội viên có kinh nghiệm về nghề đan đát để thành lập Tổ hợp tác đan lát.

Không những thành lập Tổ hợp tác đan đát, xã An Nhơn Tây cũng đã số hóa các sản phẩm, như rổ, rế, sàn… của làng nghề, thông qua việc gắn tem QR code trên sản phẩm.

Theo đó, ngoài việc chống hàng giả, hàng nhái, truy xuất nguồn gốc hàng hóa,… tem QR code còn giúp Tổ hợp tác giới thiệu sản phẩm trực tiếp, đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, về xúc tiến thương mại, Nghị định nêu rõ, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Nhà nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại liên quan hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hoá, bảo hộ sở hữu thương hiệu; Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.

Chuyển đổi số ở làng nghề đan đát An Nhơn Tây - Ảnh 3.

Các sản phẩm rổ, rá... ở Tổ hợp tác đan đát ở Làng nghề đan đát An Nhơn Tây đã được dán tem QR code để thuận tiện trong bán buôn. Ảnh: T.Đ

Cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi hỗ trợ thuê tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở ngành nghề nông thôn các nội dung quy định. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở; chi 100% chi phí thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm; tổ chức hội thi; ăn nghỉ, đi lại đối với nội dung quy định.

Nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, các chương trình, kế hoạch khuyến công, khuyến nông hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.