Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Trần Đáng
Thứ ba, ngày 26/09/2023 13:00 PM (GMT+7)
Mặc dù không còn rộn ràng, sung túc như thời hoàng kim, nhưng làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) vẫn còn nguyên giá trị là tạo sinh kế và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội nằm trên địa bàn xã Tân Thông Hội. Theo những người thợ thâm niên ở đây, làng nghề mành trúc này được hình thành hơn 50 năm.
Thập niên 80 (thế kỷ trước) làng nghề này phát triển mạnh. Nhiều hộ gia đình đã phát triển thành cơ sở sản xuất mành trúc. Tại làng nghề, công việc có suốt quanh năm, nhưng dịp Tết là thời điểm hàng chạy nhất. Ngoài việc phục vụ thị trường trong nước, mành trúc Tân Thông Hội còn xuất khẩu đi các nước, như Nhật, Anh, Mỹ… Tùy theo mành trúc lớn, nhỏ, hay dây nhiều, ít mà giá mành khác nhau.
Tuy nhiên, hiện làng nghề mành trúc Tân Thông Hội chỉ còn duy nhất cơ sở sản xuất, kinh doanh mành trúc với 110 hộ gia công mành trúc (xỏ trúc). Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên trên 440 lao động, chủ yếu là lao động nữ lớn tuổi nhàn rỗi, kết hợp công việc nội trợ với việc xỏ trúc.
Tại làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, mành trúc hoàn toàn làm thủ công bởi những người thợ lành nghề. Nguyên liệu chính của sản phẩm là ống trúc lấy từ các nhành trúc nhỏ. Người thợ dùng kẽm để xâu các ống trúc thành dây mành rồi kết nối các dây mành thành tấm mành trúc.
Ông Diệp Thanh Văn, một người thợ làm mành trúc cho biết, phải qua hơn chục công đoạn mới thành thành phẩm mành trúc, như cắt trúc, gọt vỏ, xâu, kết, sơn, vẽ… Tuy nhiên, để thu hút khách hàng thì công đoạn sơn, vẽ họa tiết là quyết định giá trị của sản phẩm.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm mành trúc đang dần thu hẹp, do sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế bằng nhựa. Để thích ứng với thị trường, những người thợ của làng nghề mành trúc Tân Thông Hội đã biến tấu từ cách pha màu sơn, hình ảnh cho đến việc khảm thêm xà cừ, trai, ốc… tạo nét mới lạ, bắt mắt, nâng cao chất lượng sản phẩm đẹp, bền và nhẹ hơn với sản phẩm công nghiệp.
Chi cục PTNT TP đánh giá, làng nghề màng mành trúc Tân Thông Hội từ những sản phẩm mang tính truyền thống với họa tiết quen mắt bao năm, nhờ nắm bắt thị hiếu đã đổi thay từ cách pha màu sơn, hình ảnh cho đến khảm thêm xà cừ, trai ốc… tạo nên những sản phẩm mang nét đẹp cổ truyền nhưng cũng rất mới mẻ, thu hút, được thị trường ưa chuộng.
Tuy nhiên, khó khăn đối với làng nghề hiện nay không chỉ là thiếu nguồn lao động trẻ mà giá nguyên liệu cũng ngày càng tăng. Chính điều này đã làm cho làng nghề mành trúc trở nên hiu hắt, mặc dù vẫn đem lại thu nhập khá ổn định và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Những năm qua, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội đã giúp cho hàng ngàn lao động địa phương có công ăn, việc làm. Bên cạnh đó, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội còn đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Sở Công thương TP vừa có báo cáo tình hình phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP. Theo đó, hiện nay tại TP có 9 loại hình làng nghề đang hoạt động và phát triển, trong đó có 7 loại hình làng nghề tiểu thủ công nghiệp, như Làng nghề bánh tráng; Làng nghề đan đát; Làng nghề mành trúc; Làng nghề đan giỏ trạc; Làng nghề se nhang; Làng nghề muối; Nghề chế biến khô thủy sản.
Sở Công Thương đánh giá, trong thời gian qua, các làng nghề đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, như thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phát triển kinh tế - xã hội; sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu của xã hội và xuất khẩu; giải quyết lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP, xóa đói giảm nghèo.... Một số làng nghề đã thực sự đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.