CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) vừa công bố Nghị quyết về việc thanh lý tài sản không sinh lợi. Cụ thể, HAGL của bầu Đức muốn bán tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku.
Đây là khách sạn duy nhất đạt chuẩn 4 sao tại "phố núi" Gia Lai. Khách sạn gồm 117 phòng ngủ gồm 3 loại phòng Suite, Deluxe và Superior.
Số tiền cụ thể HAGL chưa công bố, nhưng số tiền thu về này sẽ được ưu tiên thanh toán cho lô trái phiếu tại BIDV phát hành năm 2016.
Kế hoạch bán khách sạn của HAGL dường như đã được Bầu Đức tiết lộ trong kỳ họp thường niên năm 2023. Theo đó, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc trong năm 2023 HAGL sẽ bán những gì trong nhóm các tài sản không sinh lợi như bệnh viện, khách sạn HAGL và 104 triệu cổ phiếu HNG mà hAGL có kế hoạch thoái vốn. Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), chủ tịch HAGL cho biết, năm 2023 HAGL phải trả BIDV khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ thu xếp từ HNG, và 500 tỷ đồng từ việc bán các tài sản không sinh lãi.
HAGL cũng vừa công bố việc chậm trả lãi lô trái phiếu HAGLBOND16.26. Cụ thể, ngày thanh toán lãi định kỳ theo kế hoạch là ngày 30/9/2023. Trong đó, tổng tiền lãi phải thanh toán là 122,5 tỷ đồng. Số tiền lãi chậm thanh toán luỹ kế đến ngày 30/9/2023 là 2.870,6 tỷ, số tiền gốc chậm thanh toán là 1.157 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của HAG là 20.912 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ở mức 15.690 tỷ đồng, chỉ số nợ phải trả/tổng vốn chủ sở hữu của HAG quý II/2023 lên đến 155%.
Đáng chú ý là khoản dư nợ của HAG. Đến cuối quý II/2023, tổng số dư nợ vay hơn 8.085 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng số nợ phải trả. Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, chỉ số nợ vay/tổng vốn chủ sở hữu đã lên đến 150%.
Trong tổng số hơn 8.000 tỷ nợ vay vào cuối quý II/2023, HAG nợ trái phiếu hơn 5.500 tỷ đồng. Trong khoản nợ ngắn hạn của HAG có khoản vay trái phiếu đến hạn phải trả là 1.960 tỷ đồng. Và vay dài hạn trái phiếu 3.548 tỷ đồng. Trong đó dư nợ trái phiếu tại BIDV và Công ty chứng khoán của ngân hàng này chiếm phần lớn với hơn 5.271 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, HAG chưa thanh toán lãi hai kỳ cho trái phiếu mã HAGLBOND16.26. Trong đó, ngày 30/3/2023 phải thanh toán 177,9 tỷ đồng và ngày 30/6/2023 phải thanh toán 177,9 tỷ đồng.
Lý do chậm thanh toán theo HAGL là do chậm nguồn tiền dự kiến thu nợ từ HAGL Agrico (nay thuộc Thaco). Tại Hội nghị nhà đầu tư tháng 8 vừa qua, bầu Đức cho biết lộ trình Thaco trả nợ cho HAGL đã được thoả thuận 3 bên, song thực tế Thaco có chậm trong kỳ thanh toán gần nhất.
"Theo biên bản ký 3 bên thì Thaco đang còn nợ HAGL 1.600 tỷ. Cuối quý II/2023 dự kiến trả 400 tỷ, quý 3 trả thêm 100 tỷ đồng. Tức năm 2023 Thaco sẽ trả HAGL 500 tỷ đồng. Nhưng hiện do khó khăn, Thaco đang thương thảo lại với bên ngân hàng, HAGL không nắm rõ. Có thể quý 3 hoặc quý 4 Thaco sẽ trả, đã có thoả thuận 3 bên, nên HAGL không lo", bầu Đức chia sẻ.
Được biết, trái phiếu mã HAGLBOND16.26 được phát hành ngày 30/6/2016, kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 6.596 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 8/2023, HAG cũng đã dự kiến sẽ chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.300 tỷ đồng, đối tượng huy động là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và dự kiến triển khai sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận.
Với số tiền thu được từ đợt chào bán, HAGL dự kiến sẽ trích ra 323 tỷ đồng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành hành 18/6/2012. Tiếp theo là 277 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản nợ vay tại ngân hàng và 700 tỷ đồng để dùng bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con.
Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAG
Trước đó, đầu tháng 9 vừa qua, HAGL cũng đã công bố BCTC soát xét bán niên năm 2023. Trong đó đáng chú ý là ý kiến của kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị này.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất bán niên của HAG đạt 3.144,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét đều tăng lên khiến cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm khoảng 5% so với trước khi kiểm toán, còn lại 385 tỷ đồng.
Kết quả doanh thu sau soát xét của HAG tăng 55% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 26% so với nửa đầu năm 2023.
Đáng chú ý, trong BCTC hợp nhất bán niên, kiểm toán đã nhấn mạnh vào khoản lỗ luỹ kế 2.959,4 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai. Cùng với việc nợ ngắn hạn của tập đoàn đã cao vượt quá tài sản ngắn hạn 2.004 tỷ đồng. Theo ý kiến kiểm toán thì những điều trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Trong 6 tháng đầu năm, HAG ghi nhận doanh thu 3.144,86 tỷ đồng, tăng 54,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 385,2 tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,9%, xuống còn 20%.
Về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong nửa đầu năm 2023, Công ty HAGL ghi nhận lỗ 113,16 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 216,66 tỷ đồng.
Dữ liệu trên cho thấy, Công ty có lãi chủ yếu nhờ đóng góp của doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, doanh thu tài chính của HAG trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 255,8 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận 239,8 tỷ đồng lãi tiền cho vay; lợi nhuận khác ghi nhận 239,9 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận lãi từ giao dịch mua rẻ là 270,3 tỷ đồng.
Năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai mới hoàn thành 34,1% so với kế hoạch lợi nhuận năm.