Dân Việt

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng: Thầu phụ khóc ròng vì khoản nợ 2,3 tỷ, chỉ trả 300 triệu, xin 2 tỷ đồng

Vũ Khoa 02/10/2023 19:06 GMT+7
Nhiều nhà thầu phụ của Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng căng băng rôn kêu cứu, đề nghị được thanh toán các khoản nợ đọng đã kéo dài vài năm trời. Điều đáng nói, có nhà thầu bị nợ 2,3 tỷ, nhưng nhà thầu chỉ trả 300 triệu, xin 2 tỷ đồng.

Video người dân kêu cứu trước cổng Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng

Nợ 2,3 tỷ, Công ty TD muốn trả 300 triệu, xin 2 tỷ

Thầu phụ khóc ròng vì khoản nợ 2,3 tỷ tại Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng chỉ được trả 300, xin 2 tỷ Ghi nhận của PV Dân Việt chiều 2/10, trước cửa Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, nhiều tấm băng rôn kêu cứu đã được giăng lên.

Theo quan sát, không chỉ một mà có đến 4-5 doanh nghiệp cùng treo băng rôn đề nghị thanh toán công nợ như: Công ty CP Bê tông Việt Trung; Công ty CP SK&TMTH Thăng Long; Công ty Anh Quân Phát; Công ty CP Xây dựng Tổng hợp Thăng Long... 

Bên cạnh đó còn có một số lao động phổ thông từng làm việc tại Dự án cũng có mặt vì bị nợ lương. Doanh nghiệp bị "bêu tên" trên các tấm là Công ty CP Tư vấn đầu tư TD.

Băng rôn kêu cứu "đỏ cổng" Dự án Nhà máy nước sạch Sông Hồng - Ảnh 1.

Hàng chục người có mặt trước cổng Dự án để đòi quyền lợi. Ảnh: Vũ Khoa

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Đình Tài, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Anh Quân Phát cho biết, "Mình đứng đợi ở ngoài này để gặp lãnh đạo Công ty CP Tư vấn đầu tư TD và đòi tiền cho thuê giáo. Trước đó, mình cho thuê thiết bị dàn giáo tại Nhà máy Nước mặt Sông Hồng. Khoản nợ này đã kéo dài hơn 2 năm, tổng nợ là 2,3 tỷ và phía Công ty CP Tư vấn đầu tư TD đề nghị chỉ trả 300 triệu và "xin" 2 tỷ".

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, huyện đã nắm được nội dung liên quan đến các nhà thầu phụ của Nhà máy nước mặt Sông Hồng đang gây áp lực cho công ty để đòi nợ. 

Ông Lê Thanh Nam cho biết thêm, trước đó các doanh nghiệp chưa có khiến nại, đồng thời do đây là vấn đề tranh chấp dân sự nên huyện đã giao cho lực lượng Công an nhằm đảm bảo an ninh, trật tự. "Việc tranh chấp dân sự này, cách doanh nghiệp cần phải đưa ra tòa", Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nói thêm.

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Hồng liên tục xin gia hạn tiến độ

Nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích khoảng 20,5 ha, tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng, Hà Nội). 

Công suất thiết kế giai đoạn I, dự kiến hoàn thành năm 2018 là 300.000m3/ngày đêm. Giai đoạn II vào năm 2030 là 450.000m3/ngày đêm nhằm cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng bao gồm đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường quốc lộ 32 (thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng).

Băng rôn kêu cứu "đỏ cổng" Dự án Nhà máy nước sạch Sông Hồng - Ảnh 5.

Việc hoàn thành Nhà máy cũng có ý nghĩa đối với 8 xã thuộc huyện Đan Phượng hiện chưa có hệ thống cung cấp nước sạch. Ảnh: PV

Theo Báo cáo của Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội, thành phố đã giao Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội thực hiện cấp nước sạch cho 8 xã, nhưng do việc hoàn thành hệ thống phụ thuộc vào tiến độ của Nhà máy Nước sạch Sông Hồng nên đến nay các xã trên vẫn chưa được cấp nước. Riêng với Dự án, Chủ đầu tư là Công ty CP Nước mặt sông Hồng đã xin gia hạn lần thứ 2 vào đầu năm nay.

Công ty CP Nước mặt sông Hồng cũng là 1 trong 2 doanh nghiệp được đề xuất thực hiện đấu nối nước sạch cho 9 xã thuộc huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên việc liên tục phải gia hạn tiến độ, đồng thời bất cập xảy ra khiến dự luận đặt câu hỏi rất lớn về năng lực nhà đầu tư này. Cũng như, người dân không biết tới khi nào mới được cấp nước.