Mồng tơi là một trong những loại rau quê được nhiều người yêu thích. Theo Đông y, rau mồng tơi có tính hàn, vị chua giúp lợi tiểu, tán nhiệt, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy và mụn nhọt.
Nghiên cứu cho thấy, trong rau mồng tơi cũng giàu các vitamin A, C, PP, B1 cùng pectin, saponin, đạm. Đặc biệt, rau này còn có lượng canxi cao ngất ngưởng, gấp 2 lần sữa, 7 lần gan lợn.
Cây mồng tơi thuộc dạng thân leo, mọng nước, lá xanh và dày nên có thể sử dụng cả thân, lá. Rất nhiều món ngon làm từ loại rau này như xào tỏi, nấu canh cua.
Các món từ “thứ rau vua” này ăn rất ngon, tốt cho sức khỏe, quan trọng hơn là lành tính, thích hợp với cả người lớn và trẻ nhỏ.
Trong bài viết này, Bếp Eva sẽ chia sẻ đến bạn một món ăn ngon, dễ nấu từ rau mồng tơi là canh rau mồng tơi thịt nạc, trứng muối. Sự kết hợp của các loại nguyên liệu này sẽ tạo nên món ngon bổ dưỡng và giải nhiệt hiệu quả.
Nguyên liệu
- Rau mồng tơi: 1 bó.
- Thịt nạc: 100g.
- Trứng vịt muối: 1 quả.
- Dầu ăn.
- Muối, mì chính.
1. Thịt nạc rửa sạch, thái nhỏ. Rau mồng tơi cắt bỏ phần gốc già, giữ lại lá non. Rửa rau thật sạch rồi để ra rổ cho ráo nước. Gừng tươi cạo vỏ, thái thành từng lát lớn.
2. Đun nóng dầu ăn, cho thịt nạc vào xào tới khi miếng thịt chuyển sang màu trắng thì cho thêm 1 bát nước ấm, đậy nắp vung rồi đun sôi.
3. Nước canh sôi, bạn cho gừng thái lát, trứng vịt muối vào. Vặn lửa vừa, đun tới khi lòng đỏ trứng muối chín.
Bạn có thể dùng thìa tách lòng đỏ trứng muối ra để trứng nhanh chín và nước canh cũng ngon hơn.
4. Cuối cùng, thêm rau mồng tơi vào nồi nấu chung. Vì rau này rất dễ chín nên bạn chỉ cần nấu chừng 3 - 5 phút là được. Không nên đun quá lâu dễ khiến rau bị nhũn không ngọt thơm.
5. Gần tắt bếp, bạn nêm vào đây 1 chút muối và mì chính cho vừa khẩu vị. Lưu ý, vì trứng muối đã khá đậm đà do vậy bạn không nên cho quá nhiều gia vị. Ngoài ra, món canh này ăn nhạt một chút sẽ thanh ngọt, thơm ngon hơn.
6. Múc canh ra bát rồi thưởng thức. Rau mồng tơi nấu kiểu này hương vị như được nâng lên một tầm cao mới.
Nước canh ngọt thơm, đậm đà, trứng muối bùi béo, rau mồng tơi thanh mát, tất cả hòa quyện tạo nên món ngon giàu dinh dưỡng.
1. Bạn có thể thay thế thịt nạc bằng xương sườn, xương ống hoặc sử dụng cua để nấu canh.
2. Vì rau mồng tơi có tính hàn nên nếu bụng dạ yếu, người tỳ vị hư hàn cần hạn chế ăn. Hoặc bạn cũng có thể kết hợp rau mồng tơi với các loại gia vị có tính ấm như gừng để trung hòa.
3. Tránh nấu rau mồng tơi chín quá kỹ vì rau này rất dễ bị nhũn, mùi nồng và không ngon.