Dân Việt

Độc lạ bình hoa chuối rừng của thầy giáo trẻ xứ Thanh

Nhật Hà 03/10/2023 10:00 GMT+7
Là một người yêu hoa, mê cắm hoa, những loại hoa càng lạ, càng khó kiếm, thầy giáo càng thích cắm. Mới đây anh nảy ra ý tưởng cắm hoa chuối rừng để học sinh, phụ huynh cảm thấy tươi vui khi tới trung tâm luyện chữ đẹp của mình.
Độc lạ bình hoa chuối rừng của thầy giáo trẻ xứ Thanh - Ảnh 1.

Chân dung thầy giáo Nguyễn Thế Hoàng bên bình hoa chuối rừng do anh cắm. Ảnh: NVCC

Người thầy có sở thích cắm hoa đó mang tên Nguyễn Thế Hoàng (29 tuổi, ở Tp.Thanh Hoá). Hoàng chia sẻ, tại nơi anh sống rất khó để kiếm những dạng hoa lạ, nên để có bình hoa chuối rừng, anh phải đặt mua từ tận Tuyên Quang, và phải vận chuyển qua 2 chặng xe Tuyên Quang – Hà Nội, Hà Nội – Thanh Hoá mới về được đến tay.

"Hoa chuối rừng, được những người dân bản địa đi rừng chặt về và thi thoảng mới có. Màu hoa mang màu hồng cánh sen, trông rất tươi mới chứ không phải màu tím thâm như hoa chuối mình hay mua về làm nộm", nam giáo viên cho hay.

Lần đầu tiên cắm chuối rừng, góp nhặt được chút ít kinh nghiệm khi cắm loài hoa này, thầy Hoàng không ngần ngại chia sẻ để những kinh nghiệm ấy có thể giúp ích cho những ai có sở thích cắm hoa như anh.

Độc lạ bình hoa chuối rừng của thầy giáo trẻ xứ Thanh - Ảnh 2.

Bình cắm hoa chuối cần phải nặng và chắc. Ảnh: NVCC.

Đầu tiên là bình cắm hoa phải là bình có miệng rộng, vì cành chuối rất to. Bình cũng phải nặng và chắc để tránh tình trạng bị nghiêng, đổ vỡ do hoa chuối nặng. Nam giáo viên sử dụng bình cắm hoa cao 55cm, nặng 20kg và miệng rộng 20cm.

Độc lạ bình hoa chuối rừng của thầy giáo trẻ xứ Thanh - Ảnh 3.

Sau khi nhận hoa, anh Hoàng tiến hành rửa hoa và vệ sinh hoa, bóc bẹ lá ... Ảnh: NVCC.

Sau khi nhận hoa, thầy Hoàng tiến hành rửa hoa và vệ sinh hoa. Bóc hết tất cả các bẹ lá, quả hỏng, bóc bẹ hoa bị thâm, dập….. Cành nào yếu, anh sẽ chỉ giữ lại 1 bẹ để cho chắc, còn không thì bóc hết cho sạch.

Tiếp theo, anh đổ nước đầy bình hoa, pha thêm 3-4 gói dưỡng hoa để hoa tươi lâu, thân hoa tránh bị úng và giúp cho nước hạn chế bị thối, hôi. Để khi thay nước không bị bẩn, nước vẫn trong, hạn chế thân hoa bị chảy mủ, đổ keo.

Độc lạ bình hoa chuối rừng của thầy giáo trẻ xứ Thanh - Ảnh 4.

Dụng cụ giúp nam giáo viên bơm và thay nước bình hoa. Ảnh: NVCC.

Hoa chuối thì không hút quá nhiều nước, nên tầm 5-7 ngày mọi người hãy thay nước một lần, vệ sinh gốc hoa, cắt một đoạn ngắn ở dưới gốc bị hư để hoa hút nước thêm cho tốt. Và cũng tầm 5-7 ngày thì buồng chuối đã chín.

Độc lạ bình hoa chuối rừng của thầy giáo trẻ xứ Thanh - Ảnh 5.

Ngắm hoa chuối nở và đếm những quả chuối chín vàng từng ngày khiến anh Hoàng cảm thấy tươi vui, yêu đời. Ảnh: NVCC.

Nói về cảm giác khi ngắm hoa chuối, Hoàng tâm sự: "Hoa chuối chơi rất bền, được gần cả tháng nên mọi người hãy thử một lần nhé. Nhìn những bông hoa chuối nở, quả chuối chín vàng từng ngày mang lại cho tôi cảm giác vui tươi, hạnh phúc. Thế nên,  ngày nào tôi cũng lại gần bình và đếm xem nay có thêm bao nhiêu quả chín".