Điều này thể hiện qua con số hơn 150 nhà đầu tư quốc tế tham dự Hội nghị Nhà đầu tư 2023 của VinaCapital, bắt đầu ngày 3/10 tại TP.HCM.
"Đây là số lượng đông nhất từ khi VinaCapital tổ chức hội nghị này lần đầu tiên vào năm 2005. Sự hiện diện đông đảo của các khách mời là nhà đầu tư cho thấy Việt Nam đang là địa chỉ đầu tư hấp dẫn", ông Don Lam, CEO và cổ đông sáng lập VinaCapital, cho biết.
Bên lề sự kiện, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc Điều hành quỹ đầu tư chứng khoán VinaCapital, cung cấp thông tin vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn hấp dẫn cho nước ngoài.
"Định giá thị trường Việt Nam cho thấy đang ở mức hấp dẫn. Thống kê trong giai đoạn 10 năm qua, cho thấy VN-Index chỉ có 3 lần trải qua mức P/E và P/B thấp như thời điểm hiện tại. Mức định giá VN-Index của Việt Nam cũng rất thấp so với các thị trường trong khu vực ASEAN, nhưng mức chiết khấu định giá đang đứng ở ngưỡng cao nhất 10 năm", bà Thu nói.
Theo bà Thu, các lĩnh vực đáng để đầu tư năm 2023-2024 gồm chuyển đổi số, với sự tích hợp hệ thống, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ Internet và dữ liệu số. Kênh đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục hưởng lợi, vì lãi suất ngân hàng đã đồng loạt giảm. VinaCapital sẽ tập trung vào chứng khoán, ngân hàng, các khu công nghiệp, bán lẻ, lĩnh vực cảng/vận chuyển/ogistics, các công ty xuất khẩu và nhóm dầu khí.
Hội nghị lần này của VinaCapital tại TP.HCM với sự tham dự của nhiều diễn giả đại diện cho nhiều ngành và lĩnh vực, từ các công ty công nghệ khởi nghiệp đến các tập đoàn công nghiệp, định chế tài chính lớn.
Tại hội nghị tương tự tháng 10/2022, chỉ khoảng 100 nhà đầu tư quốc tế tham dự. "Không những đông hơn về số lượng, tâm lý của họ hiện nay tốt hơn nhiều, nhờ những diễn biến trên thị trường và trong kinh tế Việt Nam", ông Andy Hồ - Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital cho biết.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 8% năm 2022, và năm nay dự báo có thể gần 5%; lấy bình quân 2 năm thì tốc độ tăng trưởng là 6,5%. Đây là tốc độ cao trên thế giới, và là tốc độ trung bình của Việt Nam trong khá nhiều năm. Trong 2 năm dịch Covid là 2020 và 2021, nhiều nước và khu vực trên thế giới bị tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Ông Andy Hồ nhấn mạnh đây là điểm sáng trong kinh tế Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Marc Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, có bài nói về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ, được thiết lập ngày 10/9/2023, cũng như những cơ hội hợp tác mới cho các công ty Mỹ.
Đặc biệt, hợp tác về công nghệ cao và chip bán dẫn đang đi đầu xu hướng. Ông Andy Hồ cho biết các đại gia công nghệ như Apple, Intel, Samsung, LG, Amkor Technology… đang là những cái tên nổi bật trong ngành bán dẫn và điện tử.
Amkor Technology (trụ sở tại Mỹ và do doanh nhân Hyang-Soo Kim sáng lập bởi Hàn Quốc năm 1968) dự kiến khai trương nhà máy chip bán dẫn với tổng mức đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh vào tháng 10/2023.
Ngoài ra, nhà sản xuất chip Marvell Technology của Mỹ cũng cho biết sắp sẽ mở trung tâm thiết kế chip hiện đại tại TP.HCM. Tương tự, công ty phần mềm thiết kế chip Synopsys (Mỹ) cũng đang hoạt động tích cực trong đào tạo kỹ sư thiết kế tại Việt Nam, thông qua hợp tác với Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP).
Ông Andy Hồ cũng nhắc tới thương vụ vào ngày 2/10: Bain Capital – quỹ đầu tư tư nhân Mỹ với tổng tài sản quản lý khoảng 180 tỷ USD – rót 200 triệu USD USD vốn cổ phần vào tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Ngoài ra, Bain Capital và một số nhà đầu tư quốc tế khác có khả năng bơm thêm 300 triệu USD nữa vào Masan trong thời gian tới.
Đại gia sản xuất bán dẫn Hana Micron của Hàn Quốc cũng khánh thành nhà máy thứ hai tại Khu công nghiệp Vân Trung - tỉnh Bắc Giang giữa tháng 9 này, nâng tổng vốn đầu tư của Hana Micron tại Việt Nam lên 600 triệu USD. Hana Micron sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025, đồng nghĩa với việc bơm thêm hơn 400 triệu USD nữa.
Từ Nhật Bản, ông lớn ngân hàng SMBC đang đầu tư 1,5 tỷ USD vào VPBank, thông qua việc sở hữu 15% vốn để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank. Trước đó, tháng 10/2021, SMBC hoàn tất thương vụ mua lại 49% vốn điều lệ tại công ty tài chính tiêu dùng FE Credit thuộc VPBank, với chi phí khoảng 1,4 tỷ USD.
Đại diện của quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore cũng tham dự hội nghị đầu tư của VinaCapital. GIC đang có ý định đầu tư vào chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động: chuỗi này có thể được định giá lên tới 1,7 tỷ USD.
Thị trường tiền tệ Việt Nam ổn định cũng là yếu tố được nhà đầu tư quốc tế quan tâm, theo VinaCapital. Global Finance Magazine, tạp chí tài chính quốc tế, trong tháng 9, đã xếp hạng thống đốc ngân hàng trung ương 3 nước Việt Nam, Thụy Sĩ, Ấn Độ ở hạng A+ là mức cao nhất. Dưới mức này là A hoặc A-.
Ông Andy Hồ cho biết đồng Việt Nam đang là một trong những tiền tệ ít mất giá nhất năm 2023, và xếp hạng A+ của tạp chí trên đã công nhận điều này. Giới đầu tư quốc tế cũng đánh giá cao sự ổn định tiền tệ của Việt Nam.