Ông Bùi Văn Mười (56 tuổi, ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) và sinh sống, làm việc tại huyện Cần Giờ (TP.HCM). Đến năm 1989, ông Mười cùng vợ con về quê vợ ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi để lập nghiệp với mô hình trồng nấm.
Được hỏi về quá trình khởi nghiệp của mình, ông Mười vui vẻ chia sẻ về chuyện trồng nấm. Ông cho biết việc trồng nấm không chỉ cần kinh nghiệm mà còn đòi hỏi vốn đầu tư và diện tích đất trồng.
"Cha mẹ tôi cũng từng làm nấm nhưng ít lắm, do đất hẹp quá nên mới quyết định chuyển về đây. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, tôi vay vốn ngân hàng một ít, còn lại tự tích góp rồi phát triển lên dần", ông Mười nói.
Nhờ kiên trì, quyết tâm đam mê tìm tòi, tự học hỏi và kinh nghiệm tích lũy từ gia đình, mô hình trồng nấm của ông Mười bước đầu được triển khai hiệu quả, sản xuất thành công nấm mèo và nấm rơm. Sau khi trang trại đi vào ổn định, ông phát triển thêm nhiều loại phôi giống mới như nấm linh chi, nấm sò, nấm bào ngư xám…
Ông cũng mạnh dạn đầu tư thêm máy điều chỉnh nhiệt độ nhà trại, lò hấp phôi, lò áp suất và phòng thí nghiệm nuôi cấy meo giống. Ông Mười còn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trại nấm, chuyển từ lò đun củi trực tiếp sang lò hơi để tiết kiệm nhiên liệu và thời gian.
"Nghề này thực sự không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải siêng năng vì những công đoạn phải diễn ra liên tục và cần theo dõi thường xuyên. Trồng nấm chỉ khó ở chỗ phải làm đúng quy trình, khâu nào cũng quan trọng, chỉ cần sai một khâu là hư sạch hết", ông Mười cho biết.
Đầu tiên phải ủ mạt cưa (đặc biệt dùng mạt cưa cao su), sàn và đóng bịch. Sau đó, chúng được đưa vào lò hấp 100 độ từ 10 đến 12 giờ, để nguội khoảng 24 giờ và tiến hành cấy meo.
Tất cả meo giống của trang trại đều do ông Mười và gia đình tự sản xuất trong phòng thí nghiệm từ thạch giống, ủ meo bằng lò điện, không nhập từ bên ngoài.
Cuối cùng, sau khi cấy meo vào, phôi sẽ được đặt lên giàn và tiếp tục chăm sóc, đợi ngày xuất về cho bà con nông dân. Phôi giống từ trang trại của ông Mười khi bán ra, chỉ cần chăm sóc 10 ngày là có thể thu hoạch thành phẩm nấm.
Phát triển đến nay đã hơn 30 năm, hiện tại trang trại của ông Mười có tổng diện tích 3.000m2, cho ra sản phẩm của hơn 10 loại phôi giống khác nhau. Mỗi ngày trang trại của ông cho ra lò 2.500 túi phôi, thời điểm cao nhất đạt 100.000 - 120.000 túi phôi/tháng.
Đây là nơi cung cấp nguồn nấm giống cho tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là miền Tây.
Trừ hết các chi phí, mỗi tháng ông thu về 100 - 150 triệu đồng; mỗi năm thu về khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Từng là cán bộ công tác tại huyện Cần Giờ, về với mảnh đất Hòa Phú, huyện Củ Chi, ông Mười tiếp tục đảm nhận vị trí Bí thư Chi bộ và Trưởng ấp 5, trực tiếp quan tâm, giúp đỡ đời sống bà con nông dân.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh tế của gia đình, trang trại "Nấm 10 Sài Gòn" còn góp phần tạo công ăn việc làm cho 10 người dân trên địa bàn ấp. Công việc chủ yếu là đóng bịch phôi giống, các công đoạn khác đã sử dụng máy móc. Tùy theo năng suất làm việc, công nhân tại xưởng nhận được mức lương dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày.
"Tôi chủ yếu tạo công việc giúp đỡ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong nhà họ có thanh niên, con cháu cần việc làm tôi đều nhận để giúp đỡ họ trang trải cuộc sống", ông Mười bộc bạch.
Sở hữu nhà xưởng sản xuất nấm, trang trại "Nấm 10 Sài Gòn" của ông Mười còn là điểm đến giao lưu, học hỏi của nhiều bạn trẻ, sinh viên tại các trường đại học.
Ông Mười từng mở lớp dạy quy trình sản xuất phôi nấm cho các bạn sinh viên đến để trải nghiệm, sau những giờ học lý thuyết tại giảng đường. Đến nay, trang trại vẫn thường xuyên đón tiếp các đoàn cán bộ, hội viên, nông dân và sinh viên các trường yêu thích loại hình nông nghiệp mới này.
Ông Mười hào hứng kể: "Mấy bạn trẻ bây giờ học nhanh lắm, vì có lý thuyết rồi nên tôi chỉ sơ qua một lần là làm được ngay. Ở đây ai muốn học hỏi cứ tìm đến tôi chỉ hết, tôi không giấu nghề gì cả. Mình phải chỉ đúng để mọi người làm đúng rồi còn phát triển thêm, thấy vậy tôi mừng thêm chứ chẳng sợ bị mất nghề gì đâu".
Chia sẻ về cảm xúc khi được chọn là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023, ông Mười tỏ ra tự hào và có phần xúc động.
"Tôi rất vinh dự khi được chọn là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023. Cả nước có biết bao nhiêu người, vậy mà mình được chọn là rất vinh hạnh. Đây là danh hiệu tạo cho tôi nhiều động lực để phấn đấu hơn nữa, làm tốt vai trò của một người nông dân. Tôi cũng sẽ nỗ lực để giúp đỡ những bà con tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho họ, nhất là những người khó khăn, để họ có đồng ra đồng vào", ông Mười tự hào nói.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10) hàng năm. Trong đó trọng tâm là bình chọn và tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Năm 2023, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam còn là sự kiện ý nghĩa chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
TP.HCM có 2 gương nông dân là ông Bùi Văn Mười (ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) và bà Liêu Thị Kim Phượng (phường Phước Bình, TP.Thủ Đức), đã xuất sắc được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023.