Dân Việt

Ca mổ "2 năm" cứu sống bệnh nhân vỡ gan, vỡ dạ dày vì tai nạn

Diệu Linh 17/02/2024 06:00 GMT+7
Ca phẫu thuật xuyên đêm Giao thừa đã cứu sống bệnh nhân đa chấn thương, vỡ dạ dày, vỡ gan rất nguy kịch.

Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, Tết Giáp Thìn, bệnh viện đã khám, cấp cứu gần 1.500 ca bệnh, trong đó có hơn 70 ca phẫu thuật loại 3 trở lên. 

Có nhiều ca phẫu thuật rơi đúng vào Giao thừa, xuyên qua "2 năm", cứu sống nhiều bệnh nhân. Đáng kể là ca phẫu thuật cấp cứu xuyên đêm giao thừa đã cứu sống thành công một bệnh nhân đa chấn thương, vỡ dạ dày và gan rất nguy kịch, giúp người bệnh vượt qua “cửa tử”, đưa sự sống hồi sinh trong khoảnh khắc đón chào năm mới. 

Bệnh nhân T.Q.T (72 tuổi) ở phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long. Theo gia đình cho biết, ông T. sau ăn không may ngã xe máy, tay lái đập mạnh vào bụng. Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng sốc, huyết áp tụt, đau lan khắp bụng và nhiều vết thương xây sát, chảy máu vùng mặt.

Qua kết quả chụp cắt lớp toàn thân cho thấy, hình ảnh nhiều dịch và khí trong ổ bụng, vỡ gan trái. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc mất máu do chấn thương bụng kín, vỡ đa tạng nên được chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức để vừa đánh giá, vừa xử trí tổn thương.

Ca mổ "2 năm" cứu sống bệnh nhân vỡ gan, vỡ dạ dày vì tai nạn- Ảnh 1.

Phần dạ dày bị vỡ kèm dịch máu, thức ăn được làm sạch, cắt bỏ và khâu nối để tái lập đường tiêu hóa.

Đêm 30 Tết, kíp mổ khoa Ngoại do bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa phụ trách cùng các cộng sự, phối hợp cùng bác sĩ Phạm Văn Hiệu, khoa Gây mê hồi sức thực hiện. 

Phẫu thuật viên mở bụng kiểm tra thấy ổ bụng ngập máu kèm dịch tiêu hóa lẫn thức ăn chưa tiêu, phần dưới dạ dày dập nát phức tạp, vỡ xẻ dọc thùy gan trái. 

Kíp cấp cứu tiến hành khâu cầm máu gan, dạ dày bị vỡ, sau đó tỉ mỉ lấy hết thức ăn, dịch máu và rửa sạch ổ bụng bằng hơn 20 lít nước muối sinh lý. Phẫu thuật viên tiến hành cắt 2/3 dạ dày bị vỡ, đưa phần còn lại của dạ dày nối với quai hỗng tràng để tái lập đường tiêu hóa. 

Quá trình phẫu thuật bệnh nhân được truyền bổ sung 1,5 lít máu để hồi sức, kiểm soát ổn định tuần hoàn, đảm bảo cuộc mổ diễn ra an toàn. 

Ca phẫu thuật “căng não” kết thúc thuận lợi sau hơn 3 giờ, cũng là lúc bước sang ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn.

Bệnh nhân tuổi cao, thể trạng suy kiệt, gầy yếu lại trải qua cuộc đại phẫu với chấn thương phức tạp, vì vậy các y bác sĩ đã hồi sức tích cực sau mổ, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt, theo dõi sát các chỉ số và dịch qua ống dẫn lưu để đánh giá tiến triển các tổn thương trong ổ bụng, kịp thời xử trí nếu có vấn đề xảy ra. 

Với nỗ lực chăm sóc, điều trị tận tình của đội ngũ y bác sĩ trong suốt kỳ nghỉ Tết nguyên đán, bệnh nhân đến nay đã ăn uống được, giao tiếp tốt, sức khoẻ tiến triển tích cực, các chỉ số ổn định.

Ca mổ "2 năm" cứu sống bệnh nhân vỡ gan, vỡ dạ dày vì tai nạn- Ảnh 2.

Bác sĩ khoa Ngoại thăm khám lại vết mổ cho bệnh nhân T.

Bác sĩ Việt Hùng chia sẻ: “Trường hợp bệnh nhân T. vào viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch, sốc mất máu do chấn thương bụng kín phức tạp, vỡ gan trái, dạ dày dập nát không thể phục hồi, vì vậy quan trọng nhất khi đó là người bệnh cần được hồi sức và chuyển mổ cấp cứu kịp thời để cứu sống tính mạng. 

Vỡ dạ dày hay gặp khi bệnh nhân ăn no bị chấn thương trực tiếp vào vùng bụng trên rốn. Khác với thủng dạ dày do loét, dạ dày thường vỡ lớn và rách phức tạp làm toàn bộ thức ăn bên trong bị đẩy ra ổ bụng, phẫu thuật sớm làm sạch ổ bụng, khâu hoặc cắt nối để tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân.

Trường hợp này có vỡ đa tạng gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng là một cấp cứu tối khẩn, nguy cơ tử vong cao. Nhờ có sự phối điều trị linh hoạt, chặt chẽ giữa các chuyên khoa Ngoại, Gây mê, Hồi sức, Huyết học truyền máu đã giúp bệnh nhân “vượt cửa tử” và phục hồi tích cực trong niềm hạnh phúc của gia đình. 

Đây cũng là ca mổ đón giao thừa rất đặc biệt và ý nghĩa đối với chúng tôi. Một ca mổ giành lấy sự sống cho người bệnh để chào đón một năm mới sức khỏe và bình an”. 

Theo bác sĩ Hùng, đối với các ca tai nạn bị sốc mất máu do vỡ đa tạng đều rất nguy hiểm, cần phải được chẩn đoán sớm và phẫu thuật ngay, nếu chậm trễ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.