Cha ông ta nói cấm có trật "con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh". Nếu chưa tin có thể đối chiếu với cuộc đời đầy hiển hách của cha con danh tướng dòng họ Nguyễn Hữu. Cụ thể, Chiêu Quận công Nguyễn Hữu Dật là con trai của Tham tướng Chưởng cơ Nguyễn Triều Văn nên có tố chất con nhà võ tướng phát lộ từ thuở tóc chỏm ba đào.
Trong sách Đại Nam liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Viện sử học phiên dịch, NXB Thuận Hóa 2006), tập 1, phần truyện các bề tôi, khen ngợi Nguyễn Hữu Dật là người "sáng suốt có tài tài lược", ví như Gia Cát Lượng của nhà Thục thời Tam Quốc.
Vậy Nguyễn Hữu Dật là ai? Nguyễn Hữu Dật (1603 – 1681),là đại công thần của chúa Nguyễn tại Đàng Trong (thời Trịnh - Nguyễn phân tranh). Ông là người có công phò tá nhiều đời chúa Nguyễn, đánh lui nhiều cuộc Nam tiến của chúa Trịnh, giữ vững lãnh thổ Đàng Trong. Ông được phong làm Chiêu Vũ hầu.
Theo phả hệ họ Nguyễn là cháu 18 đời của Định Quốc công Nguyễn Bặc thời nhà Đinh và là cháu 8 đời của công thần Nguyễn Trãi nhà Lê Sơ. Nguyễn Hữu Dật và chi chúa Nguyễn (Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng) đều là con cháu Nguyễn Trãi, nhưng chi của vị tướng này là chi trên. Do dòng họ Nguyễn Trãi bị tản mát sau Vụ án Lệ Chi Viên và loạn lạc thời Nam Bắc triều, nên tổ tiên Nguyễn Hữu Dật đã lưu trú ở nhiều nơi: Ninh Bình, Hải Dương, Hà Đông, Thanh Hóa...
Nguyễn Hữu Dật sinh ở Thăng Long, cha là Nguyễn Triều Văn, tước Triều Văn hầu, theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa từ năm 1609 và chính thức định cư tại huyện Phong Lộc tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ, ông đã được khen là người thông minh, lanh lợi.
Đại Nam chính biên liệt truyện chép: "Lúc mới lên vài tuổi, cùng đàn trẻ chơi đùa, Dật thường bày trận, đặt quân kỳ và quân chính, tự nhận mình là đại tướng”. Đấy, cái chí hướng làm tướng xông pha nơi trận tiền, đâu có ngẫu nhiên tự dưng mà có.
Thấy con như thế, ông Triều Văn lấy làm mừng lắm, liền tìm thầy cho con theo học. Trò giỏi mà gặp thầy hay khác nào cá gặp nước. Thế nên, cũng sách trên cho hay “gặp được dị nhân, dạy cho binh pháp, bởi thế Dật học càng tiến”.
Năm Kỷ Mùi (1619), khi mới 16 tuổi, nhờ có tài văn học mà Nguyễn Hữu Dật đã được làm văn chức. Tiếc thay do tuổi nhỏ còn non nớt, chí khí bốc đồng chưa biết kìm nén nên một lần lỡ lời nói trái ý chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa cho Dật về.
Sau lần ấy, Nguyễn Hữu Dật không thối chí, trái lại còn tập rèn rũa bản thân điềm đạm hơn, siêng năng học hành. Một thời gian sau, học thuật tăng tiến đáng kể.
Vào năm Bính Dần (1626), Dật ở tuổi 23 được quay lại chốn quan trường làm văn chức. Chẳng những thế, ông còn được tham dự việc cơ mật của chúa, được chúa Sãi yêu quý.
Mặc dù rất giỏi văn chương thế nhưng sự nghiệp, công danh của vị Chiêu Quận công tương lai này lại không nằm ở nơi màn trướng mà thuộc về con đường binh nghiệp. Và nghiệp binh đến với Nguyễn Hữu Dật vào năm Đinh Mão (1627).
Từ năm 1627, Nguyễn Hữu Dật được bổ nhiệm là Giám chiến đi theo Tiết chế Tôn Thất Vệ đánh nhau với quân Trịnh. Khi quân Trịnh Tráng rút về, ông cùng Đào Duy Từ coi việc đắp lũy Trường lệ (tức Lũy Thầy).
Năm 1668, Nguyễn Hữu Dật cùng cha là Nguyễn Triều Văn đã đánh 1 trận nổi tiếng thắng quân Trịnh. Vậy nên vào năm sau, ông được thăng làm Cai cơ, Ký lục doanh Bố Chính. Ở tuyến đối đầu với quân Trịnh, ông dùng nhiều mưu kế, khéo léo sử dụng nội ứng làm rối ren hàng ngũ của quân địch.
Khi Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết chế, Nguyễn Hữu Dật cũng làm Đốc chiến, đã từng đánh ra Bắc, chiếm 7 huyện phía Nam Nghệ An, lấy sông Lam làm ranh giới Nam - Bắc một thời gian rồi mới rút về.
Khi nói về danh tướng Nguyễn Hữu Dật của chúa Nguyễn buổi ấy, Việt sử yếu cho rằng “Nam triều có hai danh tướng: 1. Nguyễn Hữu Dật là người Gia Miêu ngoại trang (thuộc phủ Hà Trung, là nơi phát tích của nhà Nguyễn); 2. Nguyễn Hữu Tiến là người làng Vân Trai (thuộc phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Nam triều lại còn có một người lương tướng ấy là Đào Duy Từ”.
Nguyễn Hữu Dật giỏi xem thiên văn, việc này đã được sử sách ghi chép. Và tài năng này đã giúp ông rất nhiều trong việc đánh trận. Trong đó có 2 câu chuyện như sau:
Chuyện đầu tiên diễn ra vào mùa thu năm 1657, khi chúa Trịnh Căn cho rằng tướng Thắng Nham đóng quân ở luỹ Đồng Hồn, đất ấy thấp và ẩm ướt, sợ đến mùa thu lụt, sẽ bị quân Nam đánh úp, nên muốn dời đồn đến chân núi Thổ Sơn.
Người do thám đem việc ấy về báo, Hữu Dật bảo Hữu Tiến: "Tôi đã tính đến ngày 25 là ngày Quý Hợi, sao Chẩn gặp triều độ mặt trời, tất có gió dữ mưa to, lại có khí đen suốt đến phần sao Đẩu. Mây trắng che vào chấn cung, phương bắc tức có nước lụt. Ta nhân dịp này, đánh úp đồn của Thắng Nham, tất là phá được”.
Đến ngày ấy quả nhiên mưa to gió lớn, nước sông lên cao. Hữu Dật đem quân thẳng tiến đến Đồng Hôn, theo nước lụt, đánh phá đồn ấy.
Thắng Nham lên Thổ Sơn chạy trốn, quân chúa Nguyễn thu được khí giới rất nhiều. Thắng to, Hữu Tiến mừng bảo Hữu Dật: "Ông tính giỏi như thần vậy”. Hữu Dật khiêm tốn nói: “Nhờ oai linh chúa thượng và sức các tướng, tôi có giỏi gì đâu”.
Chuyện thứ hai diễn ra vào mùa thu năm sau tức năm Mậu Tuất (1658) khi Nguyễn Hữu Tiến muốn quấy rối quân Trịnh, chia quân lần lượt ra các huyện Đông Thành, Hưng Nguyên và Nam Đàn (Nghệ An) đánh phá. Quân Trịnh phòng thủ nghiêm cẩn, nên quân chúa Nguyễn phải rút về.
Chợt có tên Phạm Phượng đến quân thứ Hữu Tiến nói: "Năm ngoái Thắng Nham giữ Đồng Hôn, bị Đốc chiến (Nguyễn Hữu Dật) đánh thua, Trịnh Căn sai Tham đốc là Vân Khả lĩnh quân thay giữ. Vân Khả là người tham bạo, có thể tìm cách đánh lấy được”.
Hữu Tiến sai người nói với Hữu Dật. Hữu Dật mừng nói: “Trước đây ta xem thiên văn thấy mây đen che vào sao Khôi, ngày 11, Mậu Thìn, là ngày lục long, tất có mưa lụt. Nhân lúc nước lên to mà đánh, tất là thắng hắn”.
Tướng Đật bè hẹn Hữu Tiến hội quân để đánh. Đến ngày đó, quả nhiên mưa to, Hữu Dật trước đó đã đem thuyền quân ập đến lũy Đồng Hôn, đánh gấp. Quân Trịnh kinh sợ tan vỡ, Vân Khả trốn về Yên Trường, Hữu Tiến dẫn quân chiến thắng trở về.
Nguyễn Hữu Dật còn nổi danh sử Việt bởi nhiều sử dụng nhiều mưu kế mà quan nhà Nguyễn từng ghi lại, có ý so sánh với Gia Cát Lượng thời nhà Thục. Ví dụ như vào năm 1660, khi Nguyễn Hữu Tiến bất hòa với Nguyễn Hữu Dật, giả hẹn với Hữu Dật cùng xuất quân đánh quân Trịnh rồi âm thầm rút quân về châu Nam Bố Chính.
Đêm ấy, Dật mặc áo giáp ngồi đợi đến lúc Hữu Tiến lui quân, thì quân Trịnh đã đến gần ngoài doanh trại rồi. Hữu Dật bèn sai ca hát nhảy múa nhưng bí mật sai chư quân dần dần lui về.
Trịnh Căn nghe trong doanh trại có tiếng đàn ca sáo nhị thì nghi ngờ nên không dám đến gần. Hữu Dật rút được quân trở về đến Hoành Sơn mới hợp binh cùng Hữu Tiến.
Để quân Trịnh không truy đuổi, Nguyễn Hữu Dật lại sai người kéo cành cây, tung bụi ở trong rừng và treo cờ lên ngọn cây để làm nghi binh. Quân Trịnh sợ có mai phục nên rút lui.
Đến mùa đông năm 1661, Trịnh Căn đem quân xâm lấn vào Nam, Hữu Dật làm kế "vườn không nhà trống" đưa dân châu Nam Bố Chính vào trong đại lũy để cố thủ. Quân Trịnh cũng vì thế mà không thể tấn công được.
Rồi đến năm 1664, Hữu Tiến bị ốm, xin về hưu. Lúc dày Hữu Dật được cử làm Chưởng doanh, Tiết độ đạo Lưu Đồn. Sau trận đánh mùa đông năm 1672, quân Trịnh phải rút quân về, hai bên Trịnh – Nguyễn lấy sông Gianh làm giới hạn Nam Bắc, kết thúc cuộc chiến.
Dân ngưỡng vọng, nước ghi danh
Đến năm 1681, Nguyễn Hữu Dật qua đời, thọ 78 tuổi, được chúa Nguyễn phong là Tán trị Tĩnh nạn công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Tả quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, Chiêu quận công, thụy là Cẩn Tiết.
Đến khi vua Gia Long lên ngôi, phong Nguyễn Hữu Dật là Thượng đẳng công thần, cho thờ phụ vào Thái Miếu, ấm thụ cho một người trong dòng dõi làm Đội trưởng được thế tập để coi việc thờ cúng, cấp cho 15 mẫu tự điền và 6 người coi mộ.
Năm Gia Long thứ 9 (1810) lại cho thờ vào miếu Khai quốc công thần, truy phong ông là Đặc tiến Tráng vũ tướng quân, Hữu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Thái phó, đổi thụy là Nghị Vũ, tước Tĩnh quốc công, vẫn thờ phụ vào Thái Miếu. Đến năm Gia Long thứ 16 (1817), vua lại cho ông được thờ vào Vũ Miếu.
Sau này, 3 người con của Nguyễn Hữu Dật là Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Dũng và Nguyễn Hữu Cảnh đều là danh tướng của chúa Nguyễn. Trong đó, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi.