HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII sáng 2/10 đã thông qua Nghị quyết về miễn học phí năm học 2023-2024 cho tất cả các cấp học. Đây là năm thứ hai liên tiếp Quảng Bình miễn học phí công lập.
HĐND tỉnh này đánh giá, mặc dù dịch bệnh đã qua song gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Do đó, việc miễn học phí giúp người dân giảm bớt khó khăn.
Được biết, hai năm qua, để giảm bớt khó khăn cho nhân dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả địa phương miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông với mức 50-100%.
Năm nay, nhiều địa phương đã dừng chính sách này, trừ Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nam.
Theo Nghị định 81, trần học phí bậc mầm non và phổ thông ở khu vực thành thị dao động 300 đến 650 nghìn đồng, khu vực nông thôn 100 đến 330 nghìn đồng, vùng miền núi và dân tộc thiểu số từ 50 đến 220 nghìn đồng một tháng. So với trước đó (năm 2015), các mức trên tăng 2-5 lần.
Sau thông tin này, Báo điện tử Dân Việt đã ghi nhận được nhiều ý kiến liên quan, trong đó đa số là ủng hộ việc các địa phương miễn học phí cho học sinh công lập các cấp. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, thời gian qua, phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách địa phương và một số địa phương đã thí điểm miễn, giảm học phí cho học sinh phổ thông công lập ở các mức độ khác nhau. Đây là định hướng tốt, thể hiện tính chất nhân văn và hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Tuy nhiên, chính sách về miễn giảm học phí cũng phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở từng khu vực, từng thời điểm để đảm bảo không lạm thu ngân sách và cần phải tính toán nguồn bổ sung bù vào tiền học phí miễn giảm sẽ lấy từ ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương?
Nếu nguồn chi từ ngân sách địa phương sẽ do HĐND tỉnh quyết định, còn nếu chi bù cho tiền học phí miễn giảm lấy từ ngân sách trung ương phải có sự nhất trí của Quốc hội, theo các quy định của luật ngân sách.
Vì thế, chính sách miễn giảm học phí phải được áp dụng ổn định, đồng bộ, thống nhất, đảm bảo công bằng và trên các nguyên tắc của pháp luật.
Ông Cường cho rằng, việc miễn giảm học phí thể hiện tính chất nhân văn và chính sách tốt về an sinh xã hội, thể hiện quốc gia giàu có, có thể hỗ trợ lại cho nhân dân, góp phần giảm thiểu những khó khăn cho phụ huynh, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh có điều kiện học tập và phát triển bản thân.
Nhưng miễn học phí cần phải đi kèm theo với miễn các khoản chi phí đầu năm khác như chi phí xây dựng, các chi phí đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển phong trào ở địa phương.
Và miễn học phí phải đi đôi với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích phát triển nhân tài, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho giáo viên, tạo môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại, tiếp cận với những khoa học tiên tiến...
Vì vậy, nếu đất nước còn nghèo, địa phương còn nghèo mà lại miễn học phí sẽ ảnh hưởng đến cân đối các khoản chi ngân sách đối với các lĩnh vực trong xã hội. Ngoài ra, nếu nguồn ngân sách còn eo hẹp, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện miễn học phí cho học sinh công lập nhưng lại tăng các khoản thu khác thì vẫn tạo ra những gánh nặng về tài chính cho các phụ huynh.
Hoặc chính sách miễn giảm học phí không phù hợp, thiếu luận cứ khoa học khiến cho cơ sở vật chất trong giáo dục xuống cấp, không có kinh phí để cải tạo, sửa chữa, đời sống của cán bộ giáo viên khó khăn hơn thì những chính sách như thế này là chưa hợp lý.
Phụ huynh và học sinh không chỉ mong muốn miễn giảm học phí mà vấn đề đầu tiên họ mong muốn là cắt giảm các khoản thu vô lý, không rõ ràng và được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, về hạ tầng cho hoạt động giáo dục. Bởi, muốn nâng cao chất lượng của hoạt động giáo dục, đòi hỏi phải có đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, rất ủng hộ ủng hộ việc các địa phương miễn giảm học phí cho học sinh nhưng cần phải cân nhắc điều kiện kinh tế, xã hội và đánh giá những tác động tới đời sống, xã hội sao cho mỗi chính sách đưa ra phù hợp với chính sách chung và với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, tạo ra sự đồng bộ, nhất quán trong việc phát triển.
Đồng quan điểm, chị Thu Minh – một phụ huynh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thật ra học phí chỉ là một khoản chi khá nhỏ so với đóng góp của học sinh. Như ở Hà Nội, cấp phổ thông trung học công lập cũng chỉ có 2,7 triệu đồng/năm, tính ra có khi còn ít hơn tiền quỹ lớp, và chưa bằng một tháng học thêm của học sinh.
Phụ huynh này cho rằng, nên chăng có thể nâng cao mức học phí thêm cũng được, giống như các trường công tự chủ tài chính hiện nay nhưng phải có cơ chế kiểm soát để không có việc phải dạy thêm, học thêm.
"Với các trường công tự chủ tài chính hiện nay, các cháu hoàn toàn không cần đi học thêm mà vẫn đạt hiệu quả cao, tính chi phí thành ra rất rẻ so với học trường thường và đó cũng là lý do tại sao người ta cứ tranh nhau để nộp hồ sơ vào các trường công tự chủ tài chính.
Tôi rất ủng hộ việc miễn giảm học phí, nhưng chỉ miễn giảm mà không kiểm soát được các khoản phụ phí thì lạm thu vẫn xảy ra và phụ huynh vẫn è cổ ra đóng thôi" – chị Thu Minh nêu ý kiến.
Cũng đánh giá việc một số địa phương miễn giảm học phí là một bước đi táo bạo, nhưng anh Lê Đình Thu (Thanh Hóa) cho rằng, thực tại số tiền đóng học cho học sinh hiện nay ở các cấp học không nằm ở học phí mà phần lớn gánh nặng nằm ở các loại phụ phí phát sinh. Vì vậy, miễn học phí mà lạm thu tràn lan thì việc miễn không còn nhiều ý nghĩa.
"Ngay như Quảng Bình là địa phương đã miễn giảm học phí 2 năm nay nhưng hồi đầu tháng 6 vừa qua, báo chí vẫn đưa tin một trường tiểu học ở huyện Bố Trạch đã phải trả lại nhiều khoản tiền trước đó lạm thu cho phụ huynh sau khi bị tố. Vậy nên cốt lõi là phải có biện pháp kiểm soát được tình trạng lạm thu" – anh Thu nói.