Dân Việt

Thành lập 2 thành phố trong lòng Hà Nội "cần có lộ trình"

Sơn Bình 09/10/2023 16:24 GMT+7
Hai thành phố mới nằm ở phía Bắc và phía Tây Hà Nội với khoảng 4,45 triệu dân, được định hướng trung tâm logistics, dịch vụ và giáo dục, khoa học.

Hai thành phố trực thuộc Hà Nội

Đây là một trong những nội dung dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, chính quyền TP Hà Nội được tổ chức theo hướng không còn HĐND phường, bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố. Việc này nhằm hướng đến TP Hà Nội xây dựng thêm 2 thành phố mới ở phía Bắc và phía Tây.

TP phía Tây Hà Nội có quy mô khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số khoảng 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116km2, dân số khoảng 0,12 triệu người.

Thành phố định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục…

Lập 2 thành phố trong lòng Hà Nội "cần có lộ trình" - Ảnh 1.

Đông Anh dự kiến sẽ nằm trong thành phố phía Bắc Hà Nội. Ảnh: Phương Hồng.

Tổng diện tích TP phía Bắc sông Hồng rộng khoảng 633km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người.

Vị trí đề xuất trung tâm thành phố dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có vị trí thuận lợi gần các trung tâm lớn như Smart City, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa…

Thành phố dự kiến khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, hồi tháng 11/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá việc xây dựng hai thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực phía bắc, phía đông và phía tây của thành phố. 

Theo lãnh đạo Hà Nội, mô hình 2 thành phố trực thuộc trên sẽ thu hút nguồn lực đầu tư tập trung vào hai đô thị lớn thay vì 5 đô thị vệ tinh. Đồng thời, thành phố trực thuộc Thủ đô là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt, độc lập trong kêu gọi đầu tư. 

Giải thích về lý do chọn vị trí đặt 2 thành phố, đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đánh giá hai đô thị đều có quỹ đất, tiềm năng phát triển và thuận lợi kết nối giao thông với đô thị trung tâm và các tỉnh lân cận. Thành phố phía Tây, đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã được quy hoạch thành trung tâm đầu não khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Thành phố mới sẽ tập trung các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, trung tâm thí nghiệm, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Xuân Mai được xác định là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục.

Còn thành phố phía Bắc là tận dụng tiềm năng của sân bay Nội Bài, lợi thế của trục kinh tế Nhật Tân - Nội Bài. Đây là đô thị cửa ngõ của Hà Nội trong hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh. Khu vực có quỹ đất đủ lớn và cận kề các tuyến giao thông lớn.

Cần có lộ trình thích hợp

Nhiều chuyên gia quy hoạch đồng tình với việc xây dựng thành phố trong thành phố ở Hà Nội. Khi xây dựng được nhiều đô thị xung quanh Thủ đô sẽ giảm sức ép giao thông, ô nhiễm môi trường, chất lượng giáo dục, y tế nâng cao. 

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, thực hiện mô hình thành phố trong Thủ đô sẽ thuận lợi, tạo động lực song cần có lộ trình thích hợp. Bởi trước khi xây dựng thành phố vệ tinh ở các khu vực này thì "trước hết cần hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa". 

Ông Nghiêm nêu vấn đề, tỷ lệ đất nông nghiệp huyện Mê Linh, Sóc Sơn còn khá lớn. Huyện Sóc Sơn có diện tích đất nông nghiệp chiếm 60% tổng diện tích đất tự nhiên, có cả đất rừng phòng hộ, nên lao động phi nông nghiệp chỉ đạt khoảng 40%, phải mất nhiều thời gian để có thể đạt theo tiêu chuẩn cấp đô thị.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cũng cho rằng huyện Đông Anh đủ điều kiện là quận, còn Sóc Sơn, Mê Linh chưa đạt. Nâng cấp ba huyện này lên thành phố sẽ rất khó khăn, phụ thuộc tốc độ đô thị hóa. Thời gian để một quận, huyện lớn trở thành thành phố trực thuộc có thể kéo dài và cần có lộ trình.