Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" như một trang sử đẹp còn lẩn khuất trong lòng dân

Nhật Minh Thứ hai, ngày 09/10/2023 14:59 PM (GMT+7)
Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" như viết nên một trang sử mới, một trang sử rất đẹp với những dấu tích còn lẩn khuất trong lòng dân.
Bình luận 0

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần II cho biết:

"Tôi nghĩ rằng Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" như viết nên một trang sử mới. Một trang sử rất đẹp với những dấu tích còn lẩn khuất trong lòng dân. Chính người dân sẽ cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý giá, để tất cả mọi người hiểu thêm về Hà Nội, Thủ đô văn hiến".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cảm thấy rất ấn tượng về số lượng tác phẩm gửi về dự thi, mặc dù thời gian phát động chỉ khoảng hơn 4 tháng. Hơn 875 tác phẩm dự thi là một con số cho thấy, cuộc thi có sự lan tỏa một cách mạnh mẽ trong lòng dân.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" như viết nên một trang sử mới - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần II.

"Tôi cảm thấy quá ấn tượng, bởi vì chỉ trong một thời gian rất ngắn thôi số lượng bài vở gửi về nhiều như vậy, trong đó có người già, trẻ nhỏ, rồi cả người nước ngoài. Điều đó cho thấy rằng, những ấn tượng về Thủ đô, những kỷ niệm về Thủ đô luôn thường trực trong tâm khảm của tất cả những người dân Việt Nam", nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hà Nội vẫn luôn là một đề tài, một chủ đề lớn. Cách đây khoảng chục năm, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có ra một cuốn sách về Ký ức Hà Nội. Trong đó, ông phỏng vấn các nhà thơ, nhà văn về Thủ đô Hà Nội.

Cũng chính nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã phát hiện ra một sự thật rằng, hầu hết các nhà thơ, nhà văn của cả nước đều qua Thủ đô mới hoàn thiện, mới rực sáng.

"Ngay cả nhà thơ Nguyễn Du, một nhà thơ nổi tiếng, ông cũng có những năm tháng sống ở Hà Nội. Đến các nhà thơ, nhà văn hiện đại như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức... cũng đều trám qua Hà Nội mới hoàn thiện mình được", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Phần lớn những tác phẩm tham dự Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" là những câu chuyện, tình cảm, những ấn tượng mang đậm nét cá nhân. Tác giả là những người sinh ra, lớn lên, cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội hoặc là đã từng sinh sống ở Hà Nội.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" như viết nên một trang sử mới - Ảnh 3.

Những hình ảnh rất đời thường hiện lên trong mỗi tác phẩm dự Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội".

"Có thể nói, các bài viết của "Ký ức Hà Nội" lần này không phải chuyện đã qua, có những cái đang hiện hành và có những cái không bao giờ có thể quên được. Các bài viết thuần túy là những có bài báo, chất văn chương ít, có bài ít chữ nhưng lại khắc họa được vẻ đẹp của Hà Nội rất bình dị, thân quen, tràn ngập yêu thương. Tôi rất ấn tượng", Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

"Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc cũng có những ấn tượng rất đặc biệt về Hà Nội. Trong cuốn Tuổi 20 yêu dấu của anh có một trang viết về Hà Nội rất ấn tượng. Đó là cảnh hành quân ra trận, các anh bộ đội đi qua ga Hàng Cỏ, khi đó Thủ đô đang kháng chiến chống Mỹ. Thành phố vắng quắc, tất cả người dân đã sơ tán về các làng quê, chỉ còn lại tự vệ và các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô ở lại.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" như viết nên một trang sử mới - Ảnh 4.

Cầu Long Biên, một chứng nhân lịch sử được xuất hiện nhiều trong các tác phẩm dự thi.

Đoàn quân lúc này đi qua ga Hàng Cỏ một cách lặng lẽ, khi đi đến cửa Nam họ đã vứt những bức thư viết vội xuống lòng đường vì không kịp ra bưu điện để gửi về cho gia đình. Những bức thư chỉ là một mảnh giấy, thậm chí giấy bọc thuốc lá. Trong đó có một dòng nhắn gửi nếu ai nhặt được bức thư này xin hãy chuyển về bưu điện cho thân nhân, cho gia đình tôi ở số nhà bao nhiêu, tên là gì. Đặc biệt, anh Nguyễn Văn Thục là anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc lại là người nhận được bức thư đó", nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại.

"Một cháu bé học lớp 12 cũng có nói với tôi, bây giờ cháu đi qua khu Cửa Nam cháu không thể bước qua một cách dửng dưng một cách vô cảm như trước đây nữa. Bởi vì, đây chính là một địa danh lịch sử nơi đã chứng kiến một cảnh tượng không bao giờ có thể quên được đối với những người lính đã ra trận vào những năm 1966 -1967", nhà thơ Trần Đăng Khoa kể thêm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" như viết nên một trang sử mới - Ảnh 5.

Hình ảnh đổi mới, phát triển của Hà Nội.

Sau hơn 4 tháng phát động Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần II, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 bài viết của độc giả gửi về tham dự. Trong số đó, hàng trăm tác phẩm chất lượng đã được đăng tải trên chuyên mục Hà Nội Hôm nay/Báo Điện tử Dân Việt.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.

Từ những thành công của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần II 2023, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ xem xét, nghiên cứu tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần thứ III năm 2024, với tinh thần lan tỏa, hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem