Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Trường ĐH Văn Lang và ĐH Luật Hà Nội tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM nhiều người đã đặt ra câu hỏi này.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) khẳng định quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ nên quyền lợi hưởng của người tham gia luôn được đảm bảo.
“BHXH là chính sách của Nhà nước nên với vai trò bảo hộ cho quỹ BHXH, Nhà nước cam kết về sự tồn tại, duy trì chính sách và đảm bảo khả năng chi trả cho người thụ hưởng”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Nam, có nhiều mô hình tài chính bảo hiểm và hiện nay nước ta đang thực thiện mô hình tài chính bảo hiểm thực thanh thực chi. Trong bối cảnh dân số trẻ, số người đóng góp vào quỹ BHXH nhiều và số người hưởng ít thì việc thực hiện cơ chế tài chính này sẽ được lợi.
Ngược lại, trong bối cảnh già hóa dân số, số lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động giảm dần nhưng số người thụ hưởng chế độ BHXH nhiều hơn sẽ mang lại thách thức cho quỹ BHXH.
Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 6,002 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Cả nước có 14,293 triệu người tham gia BHTN, tăng 448 nghìn người (tương đương 3,24%) so với cùng kỳ năm 2022.
Không riêng Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào đang thực hiện mô hình tài chính bảo hiểm này cũng đều phải đối mặt với thách thức đó. Vì thế ở nhiều Quốc gia đã phải lựa chọn chuyển đổi mô hình và thực hiện lộ trình chuyển đổi. Chẳng hạn như Trung Quốc, họ thực hiện song song mô hình thực thanh thực chi và tài khoản cá nhân (tiền đóng BHXH sẽ đưa vào tài khoản của từng người, khi hưởng thì người lao động được hưởng đến khi hết tiền trong tài khoản thì thôi). Mô hình tài khoản cá nhân sẽ đảm bảo tính bền vững của quỹ khi người lao động chỉ được hưởng tương ứng với số tiền đã đóng góp.
Ông Nam cho biết, ở nước ta hiện nay vẫn thực hiện mô hình như trước đây nên tiềm ẩn nguy cơ về tính cân đối quỹ. Ở góc độ kỹ thuật, các chuyên gia đưa ra cảnh báo rằng với quan hệ đóng- hưởng và xu hướng già hóa dân số, nếu không có sự thay đổi kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức.
"Tuy nhiên, khác với các loại hình bảo hiểm khác, BHXH là chính sách của Nhà nước nên với vai trò bảo hộ cho quỹ, Nhà nước cam kết về sự tồn tại, duy trì chính sách và đảm bảo khả năng chi trả cho người thụ hưởng. Cho nên sẽ không có chuyện quỹ BHXH không có khả năng thanh toán hay đảm bảo việc chi trả cho người tham gia trong tương lai"- ông Nam khẳng định.
Cũng theo ông Nam, để phù hợp với những sự thay đổi trong tình hình mới, bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH, các giai đoạn trước đây, khi sửa đổi Luật BHXH năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2019 hay tại dự thảo Luật BHXH lần này cũng đã có sự điều chỉnh. Chẳng hạn như: điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; tăng số năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa; thay đổi các tham số khi tính toán chế độ, quản lý đối tượng tham gia nhằm hạn chế đối tượng nghỉ hưu sớm hay ra khỏi hệ thống sớm; gia tăng hiệu quả đầu tư để tạo ra nguồn thu cho quỹ BHXH; đảm bảo tính tuân thủ của các đơn vị phải tham gia BHXH…
Hiện nay, khi tiến hành sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTBXH cũng nghiên cứu bổ sung nhiều chính sách nhằm nâng cao quyền lợi của người lao động, đồng thời bình ổn quỹ BHXH cả trước mắt và lâu dài.