Số liệu cho thấy, sản lượng nhập khẩu của các mặt hàng nói trên đều vượt 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó than đá nhập gần 35,9 triệu tấn, kim ngạch đạt 5,11 tỷ USD; dầu thô nhập khẩu hơn 7,4 triệu tấn, kim ngạch hơn 4,5 tỷ USD; xăng dầu thành phẩm đạt hơn 7,68 triệu tấn, kim ngạch hơn 6,3 tỷ USD; khí đốt hóa lỏng là 1,8 triệu tấn, kim ngạch gần 1,1 tỷ USD.
Lượng than đá nhập khẩu tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch giảm gần 10%. Sản lượng dầu thô nhập khẩu tăng gần 8%, kim ngạch giảm 17%; lượng xăng dầu thành phẩm nhập về tăng gần 24%, kim ngạch giảm 2,1%. Sản lượng khí đốt hóa lỏng tăng hơn 39,5%, kim ngạch tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, 3/4 mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam dù tăng mạnh về lượng song kim ngạch giảm từ 5-10% như xăng dầu, dầu thô, than đá. Lượng nhập khẩu than chủ yếu từ Indonesia và Úc với sản lượng khoảng 60%. Trong đó, xăng dầu thành phẩm và khí hóa lỏng chủ yếu nhập khẩu từ Singapore và Hàn Quốc, với sản lượng hơn 80%.
Theo Bộ Công Thương, việc nhập ồ ạt xăng dầu thành phẩm về Việt Nam chủ yếu nhằm khắc phục sản lượng thiếu hụt từ việc tạm dừng hoạt động 55 ngày của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và việc nhu cầu xăng dầu tăng đột biến trong quý III và đầu quý IV.
Cũng theo báo có của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong quý III/2023 lên mức 94,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với quý II/2023 và giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 6,8%, khu vực FDI đạt 23,11 tỷ USD, giảm 3,1%.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD; có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Hiện, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường thứ hai với kim ngạch 42,2 tỷ USD.
Điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của nước ta trong 9 tháng năm 2023 đó là: Tốc độ suy giảm trong xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước (giảm 5,7%) thấp hơn so với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (giảm 9,1%).
Về nhập khẩu, trong quý III/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 86 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11% so với quý II/2023.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39,3%).
Các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực đều tăng như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 31,1% so với cùng kỳ; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với tháng trước; vải các loại đạt 1,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương một trong những điểm tích cực trong tháng 9 đó là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp đã có cơ hội phục hồi và phát triển trở lại.