Clip: Ông Nguyễn Văn Thum, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 của tỉnh Kiên Giang.
Một tấm gương cần cù, chịu khó lao động
Ông Nguyễn Văn Thum (SN 1963, ấp Đập Đá, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, được người dân địa phương gọi bằng cái tên gần gũi là ông Bảy Thum, người xuất thân từ gia đình nông dân "nòi" đã làm nên sự nghiệp đáng nể ở xã Tân Hội.
Ông Bảy Thum, chia sẻ: Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình 3 đời làm nông, từ đời ông bà nội đến đời cha mẹ đều làm ruộng.
Năm 1989 sau khi lập gia đình riêng và có 2 đứa con, ông được cha mẹ cho ra riêng và cho mượn vốn lập nghiệp số tiền 100 triệu đồng để đóng chiếc ghe mua lúa đem xay gạo làm nghề hàng xáo.
Ông Bảy Thum nhớ lại, lúc mới khởi nghiệp nghề hàng xáo ông gặp nhiều khó khăn, đứa con đầu lúc đó mới 2 tuổi, phải giữ nhà nội giữ; đứa con nhỏ mới 8 tháng phải lênh đênh trên ghe theo cha mẹ rong ruổi khắp nơi. 10 năm trời "ăn gạo chợ, uống nước sông" với nghề hàng xáo, cứ đi mua lúa chở đi xay gạo, xong chở gạo qua Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) bán, khi bán hết gạo thì quay về quê mua lúa xay gạo đi bán tiếp…
Mặc dù con nhà nông nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm mua bán nên lúc mới vào nghề nhiều lần ông mua nhầm lúa còn ướt, không xay được gạo. Vì ít vốn, không dám thuê người, hai vợ chồng phải tự vác lúa lên bờ, mượn sân phơi lúa khô để xay. Hoặc có những đợt gạo bị ẩm không bán được lái, hai vợ chồng phải đem hàng tấn gạo ra chợ ngồi bán lẻ, những lần đó ông đều phải chịu lỗ.
Sau khoảng 10 năm trời "ăn gạo chợ, uống nước sông" với nghề hàng xáo, vợ chồng ông tích cóp được mớ vốn nên quyết định lên bờ lập nghiệp để cho con đi học. Nhờ cần cù, chịu khó, biết tính toán nên sau 10 năm hai vợ chồng ông tích cóp mua được 20 công ruộng và khu đất tại khu vực chợ xã Tân Hội và ít vốn kinh doanh.
Cũng nhờ kinh nghiệm 10 năm mua bán lúa gạo với nông dân, khi lên bờ ông quyết định kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Năm 2011 ông cất nhà tại chợ xã Tân Hội (lúc này chưa thành chợ), mở đại lý bán phân bón, thuốc BVTV.
"Ở xứ này bà con đa số trồng lúa nên cần nhất là phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc, chất lượng, uy tín… Mình xuất thân từ nông dân nên mình hiểu, kinh doanh với bà con nông dân việc đầu tiên là phải chân thật, uy tín. Bà con ở đây sống bằng cây lúa, mua phân bón, thuốc BVTV tốt, làm trúng mùa thì mình cũng có lợi. Cứ thế tôi mua bán bằng cái tâm của người nông dân"- ông Bảy Thum nói.
Để hỗ trợ bà con nông dân, ông xuất tiền mặt mua phân bón, thuốc BVTV của các công ty và bán thiếu lại cho bà con nông dân sản xuất, sau khi thu hoạch mới trả tiền. Những vụ lúa bị mất mùa, rớt giá ông cho bà con trả nợ một nửa, rồi bán tiếp cho vụ sau…
Với bản tính cần cù, chịu khó, ông vừa kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, vừa làm thêm 20 công ruộng của gia đình. Ham lao động, hễ trong xóm ai cầm cố đất ông đều cầm cố để làm thêm. Cứ thế hễ kinh doanh và làm ruộng có lời bao nhiêu là ông lại tậu thêm đất ruộng để canh tác. Hiện nay ông có tổng cộng 80 công đất ruộng.
Năm 2013, con trai lớn tốt nghiệp đại học Ngân hàng nhưng về quê phụ gia đình quản lý đại lý phân bón, thuốc BVTV. Có con trai phụ giúp việc kinh doanh, ông Thum mở rộng kinh doanh, xây thêm nhà kho, nâng từ đại lý bán hàng lên thành Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Còn đứa con trai nhỏ, sau khi tốt nghiệp lớp 12 ông cho học nghề thợ bạc và mở tiệm vàng ở chợ xã cho con quản lý, kinh doanh.
Cứ thế, nhờ biết tính toán nên vừa làm ruộng, vừa chỉ đạo 2 đứa con kinh doanh việc kinh doanh của gia đình ông ngày càng phát triển. Hiện nay, vốn của Doanh nghiệp của ông giao động khoảng 20 tỷ đồng... Ngoài ra, ông còn mua đất cất 5 căn nhà cho thuê tại chợ xã, đầu tư xây dựng 1 căn nhà yến… Tổng lợi nhuận mỗi năm của gia đình ông Bảy Thum từ các hoạt động khoảng 2 tỷ đồng.
Gia đình mẫu mực, hết lòng vì người nghèo
Không những cần cù, chịu khó lao động, kinh doanh giỏi, vợ chồng ông Thum còn là tấm gương gia đình mẫu mực của đại phương. Vợ ông là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, đã cùng ông vượt qua khó khăn từ những ngày mới lập nghiệp đến ngày nay.
Ông Thum nhớ lại: Hồi đó (lúc mới lập nghiệp) người ta đi nghe lúa 1 tuần một chuyến, còn vợ chồng tôi cứ đi liên tục, mua lúa xay gạo bán, hết gạo lại đi mua lúa xay tiếp... Vì tiết kiệm tiền nhân công, hai vợ chồng tự bỏ sức ra làm, sức vợ tôi là phụ nữ mà nâng bao lúa 2 giạ lên cho tôi vác ròng rã suốt 10 năm trời. Mỗi ghe 7 - 8 tấn lúa, mỗi tháng đi từ 10 -15 ghe.
Rồi khi lên bờ lập nghiệp, ông Bảy Thum lo việc đồng áng, việc mua bán phân bón, thuốc BVTV bà Bảy bán chính và chăm lo dạy dỗ cho hai đứa con. Không những việc gia đình riêng, vì là chị dâu lớn trong gia đình, bà Bảy Thum còn phụ chồng chăm lo cho 5 người em. Rồi hai đứa con với sự nuôi dạy chuẩn mực của vợ chồng ông bà Bảy trưởng thành, hiếu thuận, chăm lo việc kinh doanh, cùng cha mẹ quản lý sự nghiệp.
Xuất thân từ nông dân, từ hai bàn tay trắng đi lên, nên ông Bảy Thum rất thương những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông nhớ, hồi còn làm nghề hàng xáo, sống nghề "ăn gạo chợ, uống nước sông", tối ngày lênh đênh trên sông nước rất nguy hiểm.
Một lần, khi ghe ông đến phà Vàm Cống (TP Long Xuyên, An Giang) thì đã tối. Sông lớn, sóng to nên khi ghe chạy ra giữa sông thì ông neo tạm cặp một ghe cát để tá túc, tránh sóng qua đêm cho an toàn, nhưng chủ ghe cát đó không cho ghe ông neo nhờ, mà lấy sào đẩy ghe ông ra và còn dọa đánh. Giữa đêm khuya ông đành chạy ghe vào bờ ngủ chờ trời sáng...
Chính vì thế, từ ngày ông lên bờ cất nhà ở chợ, bà con trong quê người mang bó rau, con cá ra ngồi trước hiên nhà ông để bán ông đều rất vui vẻ. Không những thế, ông Bảy còn lát thêm xi măng cho bằng phẳng, sạch sẽ, che thâm mái hiên để bà con tiện lợi ngồi mua bán. Một người rồi hai, ba người… càng ngày bà con đến xung quanh nhà ông mua bán càng đông, rồi thành chợ nhộn nhịp như ngày hôm nay.
Để tri ân địa phương và người dân địa phương nơi ông lập nghiệp thành ông, hàng chục năm qua công tác an sinh - xã hội, từ làm đường, xây cầu, cất nhà tình thương, tình nghĩa… của địa phương gia đình ông Bảy Thum đều tham gia đóng góp. Không những thế, mỗi năm vào dịp Tết nguyên Đán ông dành hàng trăm phần quà để tặng bà con nghèo vui Xuân đón Tết.
"Ngày hôm nay được các cấp Hội Nông dân xét công nhận tôi là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, tôi rất vui mừng và xúc động, vì sự cố gắng trong lao động của gia đình tôi mấy chục năm qua đã được ghi nhận. Từ khi hay tin đến nay cả nhà tôi rất vui, các con rất tự hào, tôi rất cảm ơn các cấp Hội và sẽ cố gắng hơn trong lao động, sản xuất để xứng đáng với danh hiệu mà các cấp Hội đã tin tưởng giới thiệu, bình xét"- ông Thum xúc động chia sẻ.
Ông Lê Hậu Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội, nhận xét: "Anh Bảy Thum là nông dân "nòi" phấn đấu đi lên từ ý chí, quyết tâm lao động. Anh đi lên từ nghề tài xế lái máy cày thuê, mua bán lúa gạo, đến ngày hôm nay doanh nghiệp ngày. Ngoài cần cù, chịu khó, giỏi kinh doanh, anh Bảy còn là tấm gương tích cực tham gia các hoạt động an sinh - xã hội của địa phương, được địa phương tín nhiệm,bà con quý mến.
Qua giới thiệu, bình xét các cấp Hội bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, anh đều được sự thống nhất cao...".