Dân Việt

Hòa Bình lót ổ đón “đại bàng” đầu tư

Thuần Việt 10/10/2023 10:23 GMT+7
Hòa Bình - cửa ngõ phía Tây của Thủ đô. Nơi đây không chỉ có cam ngon, bưởi ngọt, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, giờ đây còn đang nổi lên là tỉnh thu hút đầu tư lớn. Tỉnh Hòa Bình cũng luôn chú trọng việc xúc tiến, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến địa phương đầu tư sản xuất, kinh doanh…

Cách đây khoảng 15 năm, huyện Lương Sơn là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Hòa Bình xây dựng khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và phát triển tốt tại đây. Sự "mở hàng" mát tay đó là động lực để các địa phương khác của tỉnh kêu gọi thu hút các nhà đầu tư. Giờ đây, hàng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã nhìn trúng tiềm năng của tỉnh Hòa Bình và tìm đến đây để làm ăn...

Cải thiện môi trường đầu tư

Năm 2022, toàn tỉnh Hòa Bình có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động, trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2023, tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 nhà đầu tư đại diện thực hiện 15 dự án vào tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD).

Hòa Bình lót ổ đón “đại bàng” đầu tư - Ảnh 1.

Đại diện Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hòa Bình và Hội đồng kinh doanh Thái Việt - Thái Lan ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Ảnh: ĐINH HÒA

Cuối tháng 7/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long kỳ vọng trong thời gian tới sẽ được đón các nhà đầu tư Thái Lan đến với Hoà Bình tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu và hợp tác đầu tư phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và hợp tác kinh tế nhiều mặt.

Ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hòa Bình còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu... Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 210/2013, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Về lĩnh vực ưu tiên, Hòa Bình chú trọng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm; trong thương mại, dịch vụ, tỉnh ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; trong du lịch, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia, các khu, điểm và kết nối tuyến du lịch...

Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Chú trọng kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần doanh nghiệp, nhà đầu tư phải được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân nghe, dân theo", làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài.

Đồng hành cùng nhà đầu tư

Hòa Bình lót ổ đón “đại bàng” đầu tư - Ảnh 3.

Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Ảnh: P.V

"Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai, để Hòa Bình thực sự là điểm đến đầu tư bền vững của các nhà đầu tư".

Ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình- Nguyễn Phi Long cho biết, Hòa Bình có lợi thế đặc trưng về khí hậu và địa lý, tỉnh đã và đang phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả; gắn kết chặt chẽ công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hòa Bình có các loại nông sản thế mạnh, thương hiệu trên thị trường như: Cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá, tôm hồ sông Đà… Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 1.500ha; đang đề nghị mở rộng Khu Công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1.000ha, bổ sung thêm 3 khu công nghiệp mới với diện tích trên 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích trên 800ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

"Với phương châm chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu, tỉnh Hòa Bình đã và đang "lót ổ" lớn để đón đại bàng" - Bí thư Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

Theo đó, tỉnh Hòa Bình đã chủ động tham gia nhiều chương trình, hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; các hội chợ, triển lãm quảng bá, giới thiệu mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP... giúp doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận với thị trường. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ các nhà đầu tư thông qua các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo đôn đốc xử lý những vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà tài trợ từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Với những hoạt động tích cực, công tác xúc tiến đầu tư đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng, chính sách, môi trường đầu tư của tỉnh đến các đối tác trong và ngoài nước; hỗ trợ và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3.414,8 tỷ đồng; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 740 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 203.455 tỷ đồng (37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 608 triệu USD); 107 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh (25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 519,33 triệu USD; 82 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 15.814 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình khẳng định, Hòa Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện nhất quán quan điểm "Chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư".