Chị Nguyễn Thu Hương, một phụ huynh có con học ở nội thành Hà Nội kể về áp lực thi vào lớp 10: "Con tôi là một cậu bé sáng dạ, yêu thiên nhiên, yêu động vật và chim muông cây cối, thích đọc sách. Con rất thích thiên nhiên, thích đàn hát và vẽ vời. Nhưng rồi khi bước chân vào cấp 2, con bị sốc với khối lượng bài vở và cũng như sự giám sát chặt chẽ đốc thúc học kinh khủng của cô giáo.
Hết năm lớp 6 tôi đã đề xuất chuyển con sang tư thục để giảm bớt áp lực học hành cho con nhưng lúc ấy con đã quen bạn bè nên không đồng ý chuyển trường. Đỉnh điểm là đến năm lớp 8-9, áp lực thi vào 10 đè nặng, dù cũng chỉ học thêm của cô giáo ở trường 3 môn Toán - Văn - Anh. Gia đình không áp lực cho con phải thi đỗ và còn chuẩn bị sẵn vài trường tư nhẹ nhàng để đăng ký cho con học nhưng vì thành tích của lớp và của bản thân nên cô giáo luôn áp lực, giao nhiều đề luyện đến mức học đến 11h đêm vẫn chưa xong".
Vì ám ảnh và áp lực cuộc thi vào 10 khiến cho con trai chị Hương luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải. "Con bỏ hết toàn bộ thú vui trước kia như vẽ, đàn và đam mê đọc sách. Con trở nên cáu gắt, không vui vẻ, lúc nào cũng mệt mỏi. Góp ý với cô giáo về khối lượng đề luyện thi quá nhiều, cô cho rằng do con tôi làm chậm chứ tất cả các bạn khác vẫn hoàn thành bình thường và không ai kêu cả. Trong khi ở lớp con luôn trong top dẫn đầu.
Thay vì học kiểu dập khuôn nhằm thi thố đạt điểm cao, tôi mong hãy để các con được học đạo đức, học làm người, học các kỹ năng để trở thành một con người tốt, sống nhân văn và biết yêu thương. Hãy để cho các con có thời gian tham gia vận động thể thao thật nhiều để rèn luyện ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, kiên trì vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Dạy con các kỹ năng tự học đến khi cấp 3 và đại học các con sẽ tự nỗ lực từ bản thân con và có đủ nghị lực và quyết tâm để đạt tới ước mơ của mình... Lứa tuổi đó còn quá nhỏ để phải chịu đựng những áp lực kiểu như thế này", chị Hương nói.
Không chỉ chị Hương mà nhiều phụ huynh khác cũng chung tâm trạng. Do hoàn cảnh gia đình không quá khá giả để con học trường tư nên anh Trần Đình Hùng, quận Thanh Xuân, Hà Nội chỉ biết động viên con cố gắng.
"Con tôi từ lớp 8 đã đi học thêm tối ngày. Sang năm nay lớp 9 nhiều khi bố mẹ và con còn không có thời gian để tâm sự với nhau. Kỳ thi vào lớp 10 năm vừa qua đã khiến cho học sinh và phụ huynh năm nay không thể sống bình thản được nữa", anh nói.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, một giáo viên dạy trong nội thành Hà Nội thẳng thắn thừa nhận học sinh chịu sức nặng quá lớn ở cuộc thi vào lớp 10. "Thực sự rất thương các bạn. Học sinh của tôi có bạn stress quá rụng đầy cả tóc, có bạn thì có suy nghĩ tự tử, có bạn thì phụ huynh phản ánh hóa điên, cứ nửa đêm lại nói nhảm...".
Cô giáo cho hay, vẫn biết đề dễ thì dễ chung, khó thì khó chung nhưng một số trường cũng gây áp lực khi ôn và thi học kỳ, thi khảo sát quá khó. Rồi các cô căn cứ vào số điểm đó để chì chiết, móc máy học sinh khiến các em chán nản, bố mẹ lo lắng suốt cả một năm trời. Có con học lớp 9 là cha mẹ già đi còn hơn đi chăm sóc người bệnh.
Phụ huynh thì cũng có người mặc định con đi học là phải đạt 9, 10 điểm. Nếu con bị 8 điểm nghĩ... xuống phong độ. Thử tưởng tượng người lớn đi học ngày 8 tiếng nhưng học sinh rời khỏi nhà lúc 6h30 sáng, học ở trường đến 5h30 chiều rồi nếu đi học thêm 1-2 ca tối thì 10h đêm mới về đến nhà. Ăn uống xong lại vào bàn học để học thuộc Văn, chạy "deadline" bài tập các môn học chính, học thêm. Hiếm có em nào đi ngủ trước 12h.
"Câu đầu tiên trước giờ dạy học của tôi đối với học sinh lớp 9 là: Cô biết các con mệt nhưng hãy cố gắng lên chút nhé. Cố gắng làm sao để các con thấy bản thân đều là những đứa trẻ ngoan và chăm chỉ. Tôi tuyệt đối không sử dụng những lời nói gây tổn thương các em, kể cả từ cách xưng hô và luôn hỏi các em xem có vấn đề gì khó khăn hay bức xúc không… để sớm can thiệp", cô giáo nói.
Thầy Vũ Khắc Ngọc tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chuyên ngành Hóa học. Trước khi gắn bó với nghề giáo, thầy từng là cán bộ nghiên cứu phòng Hóa sinh Protein – Viện Công nghệ Sinh học – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Thầy Ngọc chia sẻ: "Học sinh có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cho việc "có thể mình sẽ thi trượt, cũng như vạch ra những lựa chọn khác "ít tốt hơn nhưng không tệ" để đi tiếp thì sẽ đón nhận một cách bình tĩnh hơn.
Muốn giải tỏa áp lực, bố mẹ và con cần lên một kế hoạch học và ôn thi hợp lý, chuẩn bị tâm lý vững vàng. Có kỳ vọng nhưng đừng quá tham vọng. Hãy hiểu rằng nơi tốt nhất cho con là nơi phù hợp với năng lực, phẩm chất, thái độ học tập của con, chứ không cần phải chạy đua theo cái đích "tốt nhất" mà cả xã hội cùng lựa chọn. Và đặc biệt là luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng để khớp nối vào ngay khi kết quả không thực sự như ý".
Thầy Vi Mạnh Tường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ và cô Đào Hoàng Lan, giáo viên Toán, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Thi đầu vào lớp 10 là một kỳ thi quan trọng giúp đánh giá lại khả năng về kiến thức và kỹ năng của các bạn học sinh sau 4 năm THCS với nhiều nỗ lực học tập".
Để giúp các em ôn tập hiệu quả, khoa học, không căng thẳng, theo thầy Tường và cô Lan: "Các em cần xác định mục tiêu học tập, khả năng của bản thân trường muốn thi đỗ ngay từ đầu lớp 9. Nên đặt mục tiêu cao hơn khả năng của mình 1 - 2 điểm để cố gắng, cuối năm có thể điều chỉnh sau.
Học chắc kiến thức cơ bản từng phần, tự làm hết bài tập sách giáo khoa và sách bài tập, riêng lớp 9 nên có kế hoạch tự học trước từ hè. Nghiêm túc rèn kỹ năng trình bày bài ngay từ những dạng bài cơ bản. Để trình bày tốt thì phải hiểu thật chính xác nội dung kiến thức liên quan đến bài đó. Xác định rõ ưu nhược điểm của bản thân để có cách khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm.
Các em cũng cần trao đổi thường xuyên với thầy cô và bạn bè về những vấn đề chưa hiểu kỹ và cần học theo mô hình xoáy trôn ốc tức là học thành nhiều vòng với mỗi mảng kiến thức, mức độ khó tăng dần".
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, dự kiến có 134.942 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT, tăng 5.732 học sinh so với năm học 2023 - 2024. Về quy mô trường THPT công lập, so với năm học 2023 - 2024 (không tính trường công lập tự chủ), năm học 2024 - 2025, dự kiến Hà Nội có 121 trường, tăng 2 trường.