Dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão ở xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng. Đây là một trong 3 thành phần dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thừa Thiên Huế thực hiện từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển.
Triển khai thi công từ năm 2019, theo kế hoạch dự án hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021, tuy nhiên đến nay vẫn chậm tiến độ. Theo số liệu đến giữa tháng 9/2023, khối lượng xây lắp tại các gói thầu thuộc dự án mới đạt khoảng 80%, nhiều hạng mục còn ngổn ngang. Đối với tiến độ nạo vét luồng lạch, hạ tầng cảng, đường giao thông, giá trị khối lượng thực hiện đạt khoảng 32,5%; trong đó khối lượng nạo vét mới đạt 59.000m3/220.000m3.
Việc dự án chậm tiến độ đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cũng như bảo đảm an toàn tài sản của ngư dân. Nhiều ngư dân xã Vinh Hiền cho biết, khi dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão tại xã được triển khai, ngư dân địa phương rất phấn khởi. Lý do là bởi nhiều năm nay ngư dân mong chờ có luồng lạch bảo đảm tàu thuyền thuận tiện vào ra và tàu thuyền có nơi neo đậu tránh trú bão an toàn.
Tuy nhiên, "năm nay mùa mưa bão đã đến nhưng dự án vẫn còn dở dang. Việc dự án chậm tiến độ kéo dài đã khiến nỗi lo của ngư dân chúng tôi vẫn chưa chấm dứt", một ngư dân cho hay.
Theo ông Nguyễn Tam - Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, việc dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh bão tại xã chậm tiến độ kéo dài đã được người dân địa phương phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Tình trạng của dự án đã và đang khiến ngư dân ra vào cửa biển gặp khó khăn vì luồng lạch không ổn định, đồng thời khiến các tàu thuyền, nhất là các tàu có công suất lớn, tàu đánh bắt xa bờ, thiếu nơi neo đậu an toàn khi có mưa bão.
Mới đây, kiểm tra thực tế dự án, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, huy động thêm máy móc đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình và hoàn thành các hạng mục để đưa dự án vào sử dụng nhằm tăng hiệu quả kinh tế biển, ổn định đời sống người dân ven biển và đầm phá.
Theo Phòng Quản lý và xây dựng công trình Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, với việc các gói thầu chậm tiến độ, đến giữa tháng 9/2023, giá trị giải ngân dự án mới đạt 107,2 tỷ đồng, bằng 76,5%. Để thực hiện đúng theo cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2023, các bên đã thống nhất đề nghị nhà thầu khẩn trương tăng cường thiết bị tại công trường để thi công hoàn thành mũi đê, dầm mũ khóa đầu cọc toàn tuyến, hoàn thành toàn bộ việc lắp các cấu kiện, đổ đá lõi và bê tông mặt đê, đồng thời khẩn trương hoàn trả mặt bằng và bàn giao tuyến đường phục vụ thi công trước ngày 1/11 để hoàn trả bê tông.
Về khối lượng nạo vét, đơn vị đang thi công đang sử dụng 1 tàu nạo bằng máy đào thể tích chứa 140m3 và 2 tàu chở bơm vào bãi thải loại 50m3, chỉ đáp ứng khoảng 300m3/ngày. Do khối lượng nạo vét còn lại rất lớn (khoảng 161.000m3), nên để đẩy nhanh tiến độ cần phải tăng thêm 2 đến 3 tàu nạo vét cỡ lớn, triển khai đồng bộ kết hợp tăng ca kíp thi công đảm bảo nạo vét hơn 2.000m3/ngày thì mới đảm bảo hoàn thành.
Hiện Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với Ban Quản lý dự án và các nhà thầu bàn bạc để chuyển giao một phần khối lượng nạo vét cho thành viên trong liên danh nhà thầu để sớm hoàn thành dự án. Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay UBND huyện Phú Lộc đã phê duyệt đơn giá bồi thường hỗ trợ và tiến hành chi trả cho 55 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, qua chi trả và đối thoại, có một số hộ xin gia hạn thời gian giao mặt bằng khoảng 1 tháng để thu hoạch thu hoạch thủy sản...