Tranh cãi số tiền thưởng nóng dành cho quán quân Đường lên đỉnh Olympia
Kết thúc cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23, nam sinh lớp 12 Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa Lê Xuân Mạnh đã xuất sắc giành chiến thắng nghẹt thở đến phút cuối cùng. Phần thưởng xứng đáng Mạnh đạt được là chiếc vòng nguyệt quế 24k vinh quang và 50.000 USD (tương đương 1,2 tỷ đồng) - số tiền lớn nhất từ trước đến nay của chương trình.
Không dừng lại ở đó, ngay sau khi trở về quê hương, Lê Xuân Mạnh tiếp tục được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ tuyên dương trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh kèm số tiền thưởng 200 triệu đồng. Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa cũng tặng thưởng 60 triệu đồng cho Mạnh.
Câu chuyện tỉnh Thanh Hóa thưởng thêm cho Quán quân Olympia 200 triệu đồng gây nên luồng tranh cãi. Có ý kiến cho rằng Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một gameshow truyền hình, điều này bất công với học sinh đạt Huy chương vàng Olympic Quốc tế chỉ được thưởng một nửa với mức 100 triệu đồng.
Không chỉ có Thanh Hóa "thưởng nóng", ở các tỉnh thành khác, sau khi quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia trở về, cũng nhanh chóng nhận được phần thưởng.
Năm 2022, UBND tỉnh Thái Bình, Sở GDĐT và Tỉnh đoàn Thái Bình phối hợp tổ chức buổi gặp mặt, vinh danh, khen thưởng 100 triệu đồng cho Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Bắc Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình sau chức vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22.
Sau khi giành vòng nguyệt quế tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2021, nhà vô địch Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh Trường THPT Bạch Đằng, TX.Quảng Yên, Quảng Ninh cũng được tỉnh Quảng Ninh thưởng 100 triệu đồng.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa cho hay: "UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định trao thưởng cho em Lê Xuân Mạnh 200 triệu đồng ngay sau khi em trở về từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Quyết định này được thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Các giải thưởng được trao đều có căn cứ, quy định rõ ràng".
Theo ông Thức: "Mỗi cuộc thi có tính chất, ý nghĩa, vị trí, vai trò khác nhau. Cuộc thi này lan tỏa, cổ vũ, khích lệ hàng triệu học sinh trên cả nước vượt khó, nỗ lực, cố gắng chinh phục tri thức cùng với hàng triệu người xem trực tiếp. Còn với thí sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi là những tài năng đặc biệt thuộc về cá nhân, có sức lan tỏa cổ vũ cho các học sinh trở thành nhân tài cho đất nước. Mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối".
Liên quan đến câu chuyện trên, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay: "Chuyện khích lệ học sinh có thành tích là tốt vì ở đây không chỉ cho cá nhân em Lê Xuân Mạnh mà còn là nguồn cảm hứng, hiệu ứng mạnh cho hàng triệu học sinh, hàng triệu người theo dõi truyền hình trực tiếp. Đây mới là cái gốc của vấn đề.
Phần thưởng thêm cho chỉ mang mục đích là động lực để các em vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và danh hiệu này cũng chỉ là một trong nhiều thành tựu, không phải vô địch Đường lên đỉnh Olympia mới là khẳng định mình. Còn có rất nhiều em đạt những thành tích đáng khâm phục khác. Thưởng bao nhiêu tiền là tùy từng địa phương. Ít hay nhiều không quan trọng mà quan trọng là có thưởng".
Đồng quan điểm, thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên, diễn giả độc lập về giáo dục, cho rằng: "Thưởng cho học sinh đạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế đã có quy chế rõ ràng. Tùy theo ngân sách, mục tiêu của từng địa phương sẽ có đánh giá linh hoạt, xét duyệt, cân nhắc ở các mức khác nhau với sự thống nhất của cả tập thể. Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề đáng tranh cãi".
Trước ý kiến "thưởng nóng" xong các thí sinh đi du học rồi ở nước ngoài thì địa phương cũng "không được gì", thạc sĩ Nguyên khẳng định: "Dù các em có ở Australia hay ở đâu vẫn có thể cống hiến theo một cách nào đó nếu các em muốn. Vì vậy, không phải chuyện sống và làm việc ở đâu mà vấn đề là có muốn cống hiến hay không. Ngay cả ở trong nước mà các em không muốn đóng góp thì xã hội cũng không được hưởng lợi gì. Do vậy hãy tôn trọng lựa chọn cá nhân của các em".
Đánh giá về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, thạc sĩ Nguyên cho rằng: "Đây là sân chơi học thuật lành mạnh, tốt cho học sinh nhưng không hẳn là cuộc thi tìm kiếm nhân tài cho quốc gia. Quán quân cuộc thi đều là những em giỏi nhưng chỉ trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông. Không nên đề cao đây là nhân tài của đất nước vì các em mới ở giai đoạn tiềm năng, bước ra từ một cuộc thi và sẽ có những chặng đường dài về sau nữa”. Chúng ta cần có thêm nhiều cuộc thi hơn và chất lượng hơn để học sinh được thể hiện nhiều tài năng khác nhau như thể thao, nghệ thuật, kinh doanh, khởi nghiệp, lãnh đạo... Không nên cho rằng chỉ có cuộc thi học thuật mới quan trọng".
Chia sẻ tại lễ tuyên dương trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Xuân Mạnh cho biết: "Trong buổi lễ hôm nay, cho phép cháu gửi lời cảm ơn đặc biệt đến các thầy cô giáo, là những người đã thắp lên ngọn lửa đam mê đưa em đến bến bờ của tri thức, sát cánh cùng chúng em trên con đường đến đỉnh vinh quang. Tự đáy lòng mình con xin gửi đến bố mẹ sự biết ơn sâu sắc. Và cháu xin gửi lời cảm ơn tới các bác lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần.
Để đạt được ngôi vị quán quân Olympia đầu tiên cho tỉnh Thanh Hóa và vinh dự được có mặt trong buổi lễ tuyên dương khen thưởng, thực sự là một hành trình không hề dễ dàng với cháu. Đó là một hành trình dài đầy khó khăn, phải vượt qua vất vả, áp lực và lo lắng suốt 1 năm qua".