Bài thơ "Bắt nạt" trong SGK Ngữ văn năm nào cũng bị "xới lại" chê gay gắt "không xứng tầm"

Tào Nga Thứ tư, ngày 11/10/2023 14:02 PM (GMT+7)
Bài thơ "Bắt nạt" trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 mới một lần nữa lại tạo cuộc tranh cãi khi nhiều người cho rằng lời thơ ngô ghê, nội dung không xứng tầm đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bình luận 0

Có gì trong bài thơ "Bắt nạt", SGK Ngữ văn lớp 6?

Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có một bài thơ năm nào cũng được phụ huynh lôi ra mổ xẻ gay gắt "không phù hợp trong việc giáo dục học sinh". 

Cụ thể, bài Đọc văn bản trang 27, 28 cuốn sách có bài thơ "Bắt nạt" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Bài thơ có 8 khổ, nội dung khuyên nhủ các bạn học sinh đừng bắt nạt người khác, vì bắt nạt là xấu. Thay vì bắt nạt hãy nhảy hip-hop cho hay, ăn mù tạt để thử thách và cuối cùng là lời nhắn nhủ hãy yêu thương những bạn nhút nhát.

Bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 6 chương trình mới năm nào cũng bị lôi lên chê gay gắt "Không xứng tầm" - Ảnh 1.

Bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 6 chương trình mới năm nào cũng bị lôi lên chê gay gắt "Không xứng tầm" - Ảnh 2.

Bài thơ Bắt nạt trong sách giáo khoa lớp 6. Ảnh: CMH

Tuy nhiên, nhiều người phản đối bài thơ này vì có nội dung "ngô nghê, không phù hợp với học sinh lớp 6", "có mùi bạo lực", "cái cây, hip hop, học hát không phải là từ láy"... và "không xứng đáng đưa vào sách giáo khoa", hay không hiểu "Vì bắt nạt rất hôi" là gì.

Một ý kiến cho biết: "Bài thơ được đưa hẳn vào SGK lớp 6, tức là sẽ trở thành bước đệm đầu tiên đưa các em đến với chương trình Ngữ văn cấp 2 nhưng chưa thấy được cái hay, cái đẹp, điểm sáng nghệ thuật của toàn bài".

Trên trang cá nhân của mình, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh có lý giải: "Có một thông điệp khá rõ ràng của bài thơ là "bắt nạt rất hôi", là hành vi không sạch sẽ, làm giảm giá trị bản thân. Điều này khơi gợi lòng tự trọng của các em. Tuy nhiên, khi viết mỗi bài thơ, nhất là thơ thiếu nhi, mỹ cảm rất quan trọng, tôi không để thông điệp chủ đạo hơi lộ như vậy.

Thông điệp của bài thơ không hoàn toàn chỉ là các cụm từ khoá "bắt nạt là xấu lắm" hay "bắt nạt rất hôi". Nó còn là sự gửi gắm về tính quân tử. Tính quân tử được gửi gắm từ việc bạn bắt nạt thay vì bắt nạt kẻ yếu, hãy đối diện với thử thách cho bản thân, như hình ảnh ẩn dụ là "mù tạt"...".

Bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 6 chương trình mới năm nào cũng bị lôi lên chê gay gắt "Không xứng tầm" - Ảnh 3.

Bìa sách Ngữ văn lớp 6 mới. Ảnh: Chụp màn hình website NXB Giáo dục

Bài thơ liệu có xứng tầm đưa vào sách giáo khoa?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Văn  tại TP.HCM nhận xét: "Thứ nhất, về thể loại (thơ), bài thơ "Bắt nạt" chưa đạt yêu cầu về cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu, chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh lớp 6 (12 tuổi). Nếu đưa vào chương trình tiểu học (lớp 3, lớp 4) một vài đoạn thì phần nào có thể chấp nhận được với nhận thức chung của các em. 

Thứ hai, đưa bài thơ này vào chương trình môn Ngữ văn lớp 6 là chưa ổn, bởi vì có một số từ ngữ, hình ảnh, tu từ chưa đạt. Hơn nữa, đưa "mù tạt" và "hip-hop" để khuyên các em đừng nên bắt nạt là một cách liên tưởng, so sánh, ẩn dụ khập khiễng, không tạo ra được cái hay, tính thẩm mỹ trong văn chương (bài thơ Bắt nạt). 

Thứ ba, tôi cũng không hiểu nội dung những câu thơ này có ý nghĩa gì: "Bạn nào bắt nạt bạn/ Cứ đưa bài thơ này/ Bảo nếu cần bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay/ Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi?" Nếu tôi là giáo viên dạy môn Ngữ văn chương trình 6, tôi sẽ thay bài này bằng một bài hay hơn, có tính thẩm mỹ hơn".

Đồng quan điểm, theo nhà văn Bùi Ngọc Phúc: "Tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh là nhà thơ có nhiều bài khá hay. Tuy nhiên bài thơ "Bắt nạt" được chọn làm ngữ liệu trong cuốn Ngữ văn 6 chưa thuyết phục. Không phải bây giờ mới có ý kiến, từ vài năm trước nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự không hài lòng. Việc bài thơ vẫn được chọn là điều đáng tiếc, bởi cá nhân tôi đánh giá bài này chưa đạt để đưa vào SGK.

Bài thơ có vần điệu khá lủng củng, khác hẳn những bài thơ trước đây khi học sinh dù đã trưởng thành vẫn nhớ. Hay dở là cảm nhận của mỗi người, nhưng khổ thơ thứ ba nói về việc thử thách bằng các ăn mù tạt là điều khó chấp nhận. Dù sao một bài thơ đưa vào SGK phải đám bảo cho học sinh đầu cấp cảm nhận được vẻ đẹp qua từng con chữ vì vậy xét tổng thể bài thơ này không đạt được. 

Dù không thích so sánh, nhưng thế hệ học sinh 7x, 8x trước đây hẳn đều thuộc bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam được dùng làm ngữ liệu trong sách và còn nhiều bài thơ khác. Đổi mới và chọn tác phẩm mới phải đảm bảo chất lượng và được học sinh, phụ huynh đồng tình".

Nói về ý kiến cho rằng bài thơ phù hợp với thời đại, nhà văn Bùi Ngọc Phúc khẳng định: "Mục đích của giáo dục nói chung và môn Ngữ văn nói riêng là hướng đến sự cảm nhận vẻ đẹp của con chữ, giá trị nhân văn do tác phẩm mang lại. Nếu nói học sinh thích vì hợp văn phong là không ổn. Cá nhân tôi đánh giá bài thơ này không đạt".

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc, bài thơ "Bắt nạt" nếu Ban biên tập SGK muốn sử dụng thì hãy chuyển sang cuốn dạy kỹ năng sống sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, anh Phúc cũng nhấn mạnh: "Việc khen chê một tác phẩm là điều hết sức bình thường, nhưng tuyệt đối không được "bỏ bóng đá người". Tác giả đương nhiên sẽ tâm đắc với đứa con tinh thần của mình nhưng bài thơ đó đặt vào SGK khiến nhiều người phản ứng không phù hợp. Sự phản biện là cần thiết, nhưng mọi người nên dừng lại ở chính bài thơ đó thay vì chỉ trích tác giả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem